Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, giấy chứng sinh là giấy tờ quan trọng, chứng thực sự ra đời của một con người, và đó là căn cứ để cấp giấy khai sinh. Giấy chứng sinh thường do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp. Theo quy định của Luật Hộ tịch 2014 thì nếu trẻ em được sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài thì thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện.
Thủ tục đăng ký khai sinh gồm các giấy tờ sau:
(i) Tờ khai theo mẫu quy định;
(ii) Giấy chứng sinh và xuất trình bản chính một trong các giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng) để chứng minh về nhân thân;
(iii) Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn);
(iv) Sổ hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ) cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
Ngoài ra, trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
PV