Chủ thể mua nợ trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại tại Việt Nam

27/11/2020 20:26 | 3 năm trước

(LSVN) - Bài viết đề cập đến vấn đề thực trạng hoạt động của chủ thể mua nợ của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, từ đó, đề xuất hướng hoàn thiện một số khía cạnh chính sách pháp luật liên quan, tạo điều kiện phát triển các chủ thể mua nợ cũng như hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại là giao dịch dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận giữa bên bán nợ (ngân hàng thương mại) và bên mua nợ, với đối tượng giao dịch là quyền yêu cầu khách hàng vay nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn thanh toán, hay còn gọi là nợ của ngân hàng thương mại. Một trong những chủ thể quan trọng tham gia vào hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại là chủ thể mua nợ. Khi tham gia vào giao dịch mua, bán nợ, chủ thể mua nợ sẽ trở thành chủ nợ mới của khoản nợ được mua, bán. Bằng việc chấp nhận những rủi ro tồn tại xoay quanh khoản nợ đó, chủ thể mua nợ tìm kiếm được lợi nhuận dựa trên sự chênh lệch giữa giá bán trong hợp đồng mua, bán nợ và giá trị khoản nợ trong hợp đồng vay nợ ban đầu. Sự tồn tại của các chủ thể mua nợ là thiết yếu bởi sự có mặt mang tính chủ chốt của chúng để diễn ra hoạt động mua, bán nợ, từ đó, hoạt động này mới có thể phát huy được vai trò của mình đối với nền tài chính, kinh tế.

1. Thực trạng pháp luật và hoạt động của chủ thể mua nợ của ngân hàng thương mại tại Việt Nam

1.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về chủ thể mua nợ của ngân hàng thương mại

Bên mua nợ là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong hoạt động mua, bán nợ. Bên mua nợ bằng hành vi mua lại khoản nợ của mình giúp bên bán nợ giải quyết các bài toán về nợ xấu. Dựa trên yếu tố cư trú, bên mua nợ có thể được chia thành chủ thể cư trú hoặc không cư trú, trong đó, chủ thể cư trú gồm:

(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ;

(ii) Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;

(iii) Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ[1].

Một số chủ thể chủ chốt trong hoạt động mua nợ của ngân hàng thương mại cụ thể như:

- Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (AMC): Các chủ thể này tại Việt Nam được pháp luật Việt Nam điều chỉnh bởi Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN ngày 07/11/2001 của Ngân hàng Nhà nước ban hành điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN). Theo Điều 1 Điều lệ mẫu ban hành kèm Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN, AMC là công ty có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có, được thành lập theo Quyết định số ngày tháng năm của Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại, hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản bảo đảm nợ vay.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC): DATC có nguồn gốc từ Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, được thành lập bởi Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg) để xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.

Sau đó, Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được tổ chức lại theo Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tạo tiền đề chuyển đổi thành DATC - công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. DATC hoạt động theo Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 135/2015/TT-BTC ngày 31/8/2015 của Bộ Tài chính ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (Thông tư số 135/2015/TT-BTC). Mục tiêu hoạt động của DATC là hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước; bảo toàn, phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DATC và vốn của DATC đầu tư tại các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.

- Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC): VAMC được hình thành muộn hơn. Ngày 18/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Nghị định số 53/2013/NĐ-CP). Sau DATC, VAMC là tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. VAMC được thành lập và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế (Điều 3 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP). VAMC mua nợ xấu của ngân hàng thương mại theo một trong hai phương thức: (i) VAMC mua nợ xấu của ngân hàng thương mại theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành; (ii) VAMC mua nợ xấu của ngân hàng thương mại theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt (khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP).

1.2. Thực trạng hoạt động của một số chủ thể mua nợ của ngân hàng thương mại tại Việt Nam

- Đối với các AMC: Việc sớm có những quy định pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn hoạt động cho các AMC tạo điều kiện cho hoạt động mua, bán nợ phát triển, xử lý nợ xấu, làm lành mạnh tình hình tài chính cho các ngân hàng thương mại mẹ. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với hoạt động xử lý nợ xấu, nhưng theo lãnh đạo các AMC, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng cũng như tiềm năng của các công ty này. Từ khi được thành lập (năm 2001) đến nay, ngoài ba văn bản pháp luật là Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg về thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại, Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN và Thông tư số 27/2002/TT-BTC ngày 22/3/2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính cho các AMC, thì có rất ít văn bản hướng dẫn chi tiết hoạt động của các AMC. Điều đó khiến các AMC phải tự xoay xở và tìm hiểu thêm để trong quá trình hoạt động của mình vừa hoàn thành được nhiệm vụ của ngân hàng giao, vừa phải phù hợp với quy định của pháp luật[2].

- Đối với DATC: Trong giai đoạn 2010 - 2016, DATC đã triển khai thực hiện tốt công tác đàm phán xử lý nợ của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tái cơ cấu một số doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế như Vinashin, Vinalines, Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprosimex[3]… Gần đây nhất, trong năm 2019, DATC đã trực tiếp mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nói chung, doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng[4]. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong đàm phán, thủ tục bán nợ của chủ nợ phức tạp, thời gian đàm phán kéo dài, nhưng kết quả thực hiện được trong năm 2019 đã thực sự là bước đột phá, mở đường cho các hoạt động của Công ty trong những năm tiếp theo.

- Đối với VAMC: Có thể nói, VAMC đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Trong năm 2019, VAMC đã thực mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt đối với 381 khoản nợ (đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bản) và mua nợ xấu theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt đối với 37 khoản nợ (đạt 2.247 tỷ đồng), xử lý tài sản bảo đảm ước đạt 5.757 tỷ đồng, bán nợ đạt 6.332 tỷ đồng và đôn đốc thu hồi nợ ước đạt 20.391 tỷ đồng[5]. VAMC cũng đã chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thực tế, thị trường mua, bán nợ vẫn chưa thực sự phát triển và thiếu sự cạnh tranh giữa các bên mua nợ. Mặc dù, nguồn cung nợ xấu lớn nhưng số lượng chủ thể có nhu cầu mua nợ tham gia vào thị trường lại không nhiều, chủ yếu là các AMC của các ngân hàng thương mại, ngoài ra chỉ có DATC và VAMC, chưa có sự tham gia tích cực của các nguồn đầu tư khác. Trong khi đó, quy mô, phạm vi và nguồn lực tài chính hay thậm chí là kinh nghiệm xử lý nợ của các AMC, DATC và VAMC cũng chưa cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường với lượng nợ xấu cần xử lý rất lớn. Tình trạng gần như độc quyền trong việc mua nợ xấu đã khiến cho giá chào mua của DATC rất thấp, điều này phần nào khiến cho nhu cầu muốn bán nợ của các ngân hàng thương mại có nợ xấu bị giảm, kìm hãm sự phát triển của thị trường mua, bán nợ của ngân hàng thương mại.

2. Hoàn thiện vấn đề chủ thể mua nợ trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại, tạo điều kiện phát triển thị trường mua, bán nợ

2.1. Nâng cao năng lực của các chủ thể mua nợ đang hoạt động

Thứ nhất, về các AMC của ngân hàng thương mại: Hiện nay, các chủ thể này chủ yếu đóng vai trò xử lý nợ xấu của ngân hàng mẹ, chưa có sự khác biệt với bộ phận xử lý nợ nội bộ của ngân hàng thương mại, chỉ như vậy thôi thì thị trường mua, bán nợ khó phát triển. Do đó, việc mở rộng phạm vi hoạt động của các chủ thể này là điều cần thiết. Đặc biệt, nhằm tránh việc các AMC trở thành nơi tồn đọng nợ xấu của ngân hàng mẹ, vai trò của AMC cần phải được quy định cụ thể, đồng thời cần xác định rõ thời hạn AMC xử lý các khoản nợ. Bên cạnh đó, để các AMC có thể đóng góp tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu, cần tháo gỡ những nút thắt về chính sách và cơ chế. Cụ thể, hoàn thiện các văn bản pháp lý về hoạt động của các công ty AMC, nâng cao nguồn lực của AMC bằng cách các AMC cùng phối hợp với nhau hoặc hợp danh để xử lý các món nợ có giá trị mà tổ chức riêng lẻ không có đủ khả năng tài chính và các nguồn lực khác để thực hiện.

Thứ hai, về DATC: Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, gánh nặng nợ xấu cần DATC giải quyết là rất lớn, nhưng quy mô và tiềm lực tài chính của DATC chưa cho phép công ty này thực hiện các hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu dài hạn. Do đó, vấn đề cần cải thiện đối với DATC là nâng cao quy mô, tiềm lực tài chính nhằm phát huy tốt hơn vài trò của mình trong sứ mệnh xử lý nợ xấu.

Thứ ba, về VAMC: Điểm cần khắc phục lớn nhất của VAMC đó là nâng cao năng lực xử lý khoản nợ được mua, hạn chế tình trạng trả nợ về ngân hàng thương mại sau 05 năm không xử lý được. Để nâng cao năng lực xử lý nợ của mình, VAMC cần rà soát và đánh giá các khoản nợ đã mua nhằm đề ra biện pháp xử lý, thu hồi phù hợp, đồng thời phát triển các giải pháp mua, bán nợ theo cơ chế thị trường, tích cực phối hợp với các chủ thể khác trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, mua, bán nợ và xử lý tài sản bảo đảm… Ngoài ra, việc mở rộng quy mô về số lượng chi nhánh, vốn, chuyên viên cũng cần được chú trọng.

Nhìn chung, để nâng cao năng lực của các tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ đang hoạt động, các chủ thể này cần nhanh chóng giải quyết các khoản nợ mà mình đã mua thông qua việc kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ các khách nợ trong việc nâng cao năng lực tài chính, xử lý các tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có những quy định về trình độ chuyên môn của các cán bộ, chuyên viên tham gia xử lý nợ trong các tổ chức này. Đồng thời, các công ty này cũng cần được nâng cao tiềm lực tài chính bằng các phương pháp huy động vốn từ cộng đồng hoặc chủ sở hữu cấp thêm vốn.

Có thể thấy, việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu đi kèm với nâng cao năng lực của các công ty mua, bán nợ đang hoạt động, đặc biệt là VAMC, DATC và các AMC là vô cùng cần thiết bên cạnh việc ngân hàng thương mại cần kiểm soát rủi ro tín dụng tốt hơn, cải thiện chất lượng các khoản nợ. Điều này giúp lành mạnh, trong sạch thị trường tài chính và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhanh chóng giải quyết tình hình nợ xấu đáng báo động tại Việt Nam.

2.2. Khắc phục tình trạng cung nhiều hơn cầu trong mua, bán nợ của ngân hàng thương mại

Thực tế hiện nay, thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam chưa phát triển và thiếu sự cạnh tranh giữa nhiều chủ thể mua nợ. Mặc dù, nguồn cung nợ lớn nhưng số lượng nhà đầu tư mua nợ lại không nhiều, chủ yếu là sự hoạt động của VAMC, DATC và một số AMC của các ngân hàng thương mại, chưa có sự tham gia mạnh mẽ từ các nguồn nhà đầu tư khác.

Tình trạng nguồn cầu quá hạn hẹp so với nguồn cung dẫn đến việc các khoản nợ xấu còn tồn đọng nhiều, thiếu sự cạnh tranh trong thị trường do bên bán nợ không có nhiều sự lựa chọn dẫn đến việc bên bán ít đi lợi thế trong việc đàm phán, quyết định giá mua, bán, khiến các khoản nợ này hoặc là không bán được với mức giá tương đối có lợi, hoặc là bán được nhưng phải chấp nhận mức giá giao dịch thấp. Sự thiếu hụt về nguồn cầu nợ của ngân hàng thương mại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như hành lang pháp lý chưa đầy đủ khiến cho nhà đầu tư e ngại khi tham gia vào thị trường, quá nhiều điều kiện đặt ra đối với nhà đầu tư; hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại ở Việt Nam chưa đủ hấp dẫn… Đây chính là những vấn đề cần giải quyết để hoạt động này thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, tạo điều kiện phát triển và giải quyết được nhiều khoản nợ hơn nữa, giúp lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng.

Một số biện pháp cụ thể để tạo điều kiện và thu hút các nhà đầu nước ngoài như: (i) Xây dựng chính sách ưu đãi thuế và thủ tục hành chính nhằm thu hút nhà đầu tư. (ii) Ổn định thị trường chứng khoán: Điều này là vô cùng cần thiết vì nó tác động đến sự thành công của thị trường mua, bán nợ. Những chủ nợ mới nhiều khả năng sẽ xử lý nợ thông qua phương án đầu tư vốn để khôi phục tình trạng hoạt động kinh doanh của con nợ và sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng khi có đủ điều kiện để đưa công ty nợ lên sàn chứng khoán nhằm thu hồi vốn. (iii) Tạo điều kiện để các tổ chức có tài chính và chuyên môn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại.

2.3. Thành lập hiệp hội các công ty mua, bán nợ

Tại Việt Nam, có nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh đã thành lập hiệp hội. Nếu hiệp hội nghề nghiệp hoạt động tốt, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả thì sẽ tạo sức hút khiến doanh nghiệp tham gia hiệp hội nhiều hơn. Không những vậy, một khi hiệp hội kết nối được nhiều chương trình tương tác về các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như giúp doanh nghiệp trình bày những khó khăn với các cấp chính quyền, kiến nghị chính quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp thì đây chính là kênh hỗ trợ hữu ích mà doanh nghiệp rất muốn tham gia, điều này cũng tạo nên một thị trường hoạt động kinh doanh vững chắc hơn. Do đó, với một ngành nghề mang tính phức tạp như mua, bán nợ, việc thành lập hiệp hội nghề nghiệp như vậy sẽ giúp các chủ thể mua, bán nợ có tiếng nói chung.

Hiệp hội về mua, bán nợ cần đáp ứng được các tiêu chí và phát huy được vai trò trong việc đại diện các hội viên trong mối quan hệ có liên quan đến hoạt động mua, bán nợ nói chung; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, đồng thời nâng cao năng lực kết nối; làm đầu mối thông tin trên thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết các khó khăn của hội viên trong giao dịch mua, bán nợ; phản ánh nguyện vọng, đề xuất của các hội viên, chủ thể mua, bán nợ nói chung đến cơ quan ban hành chính sách, tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến ngành nghề mua, bán nợ.

2.4. Tổ chức thị trường mua, bán nợ

Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực mua, bán nợ cho thấy, để hoạt động mua, bán nợ phát triển, việc hình thành và tổ chức thị trường mua, bán nợ là điều tất yếu. Đây chính là tiền đề để giao thương mua, bán nợ phát triển, bên cung dễ dàng kết nối được với bên cầu hơn và tạo ra một thị trường có sức cạnh tranh, điều mà đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, là động lực của sự phát triển không chỉ của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp mà cả nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, muốn tổ chức được một thị trường mua, bán nợ có hiệu quả, đòi hỏi sự tổng hợp của nhiều yếu tố mà cơ quan nhà nước cần phân tích để có thể mang lại kết quả tốt nhất, trong đó cần quan tâm các vấn đề sau.

Thứ nhất, về nguồn nhân lực của thị trường: Cần tạo điều kiện để thúc đẩy các chủ thể tham gia vào thị trường ngày càng nhiều hơn, với sự đi đầu tiên phong và định hướng phát triển của VAMC. Ngoài mục tiêu về số lượng, các nhà hoạch định chính sách quốc gia cũng cần bảo đảm tiêu chí về chất lượng, khả năng chuyên môn của các chủ thể tham gia vào thị trường này bằng cách đặt ra các điều kiện hoạt động cần thiết. Bên cạnh đó, yếu tố về vốn hoặc chất lượng chuyên môn cũng cần được tạo điều kiện cải thiện, phát triển.

Ngoài ra, với vai trò quan trọng là chủ thể cung trong quan hệ mua, bán nợ này, các ngân hàng thương mại trước hết cần nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện chất lượng các khoản nợ của mình, có các cơ chế giám sát, quản trị rủi ro tín dụng cần thiết, giảm bớt rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như cung cấp nguồn hàng hóa chất lượng cho thị trường.

Thứ hai, về thông tin trên thị trường: Việc xây dựng một hệ thống thông tin đánh giá tín dụng của khách nợ nói chung làm tiền đề cho hoạt động mua, bán nợ là cần thiết, vì để bảo mật các thông tin của khách nợ thì không thể nào bộc lộ một cách công khai tràn lan trên thị trường. Hệ thống đánh giá tín dụng này không nhất định đưa ra một điểm số chính xác cho khách nợ và buộc mọi chủ nợ phải tuân theo, bởi vì mỗi nhà đầu tư khác nhau có khả năng chấp nhận những loại rủi ro đến từ những nguyên nhân khác nhau. Do đó, hệ thống đánh giá tín dụng này nên đưa ra xếp hạng dựa theo từng tiêu chí để các nhà đầu tư đưa ra quyết định. Ngoài ra, việc công khai thông tin khoản nợ đến đâu, ở mức độ nào để bảo đảm được sự minh bạch trong giao dịch trong thị trường này nhưng không ảnh hưởng đến sự bảo mật các thông tin, bí mật kinh doanh của khách nợ, khuôn khổ phạm vi thông tin được tiết lộ đến đâu và cho ai là điều quan trọng cần phải cân nhắc, chú trọng khi mà các hợp đồng mua, bán chưa chính thức được giao kết.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định pháp lý và tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước: Thị trường muốn phát triển, các chính sách phải ổn định, bao gồm cả các quy định về việc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước, nhất là Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò quan trọng không chỉ trong khâu hoạch định chính sách, mà còn phải bảo đảm được khả năng và ý chí tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia vào thị trường.

Thứ tư, thành lập sàn giao dịch nợ: Sàn giao dịch nợ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của thị trường mua, bán nợ vì đó là nơi các nguồn cung và nguồn cầu nợ dễ dàng kết nối được với nhau. Sàn giao dịch nợ cũng là nơi thông tin về các giao dịch nợ xấu được công khai, minh bạch, là cơ sở để các chủ thể mua, bán có thể cân nhắc, đưa ra các quyết định phù hợp. Với tầm quan trọng đối với thị trường mua, bán nợ, việc xây dựng các sàn giao dịch nợ tập trung có vai trò đầu mối là cần thiết. Mặc dù, pháp luật hiện hành đã có những quy định về điều kiện thành lập và kinh doanh sàn giao dịch nợ, nhưng chưa cụ thể, dẫn đến việc mặc dù đã được công nhận về mặt pháp lý, song trên thực tế lại chưa tồn tại chủ thể này trong hoạt động mua, bán nợ tại Việt Nam.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách quốc gia cần nhanh chóng có những định hướng, suy tính kỹ về việc tổ chức, vận hành ra sao để có một sàn giao dịch mở, công khai, minh bạch thông tin về hàng hóa, tổ chức tham gia, người mua, người bán; thu hút được nhiều chủ thể tham gia vào thị trường mua, bán nợ nhằm phát triển thị trường mua, bán nợ thứ cấp; tăng tính thanh khoản và thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Thạc sĩ TRẦN THỊ THANH THỦY
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
(Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)
_____________________________
[1]. Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[2]. Https://thoibaonganhang.vn/go-nut-that-cho-amc-81700.html, truy cập ngày 15/5/2020.
[3]. DATC: Bước đi vững chắc xây dựng thị trường mua bán nợ, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2017-07-12/datc-buoc-di-vung-chac-xay-dung-thi-truong-mua-ban-no-45367.aspx, truy cập ngày 03/6/2020.
[4]. Xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, https://petrotimes.vn/xu-ly-gan-3000-ty-dong-no-xau-cua-cac-to-chuc-tin-dung-doanh-nghiep-563469.html, truy cập ngày 03/6/2020.
[5]. VAMC là hạt nhân hình thành thị trường mua bán nợ, https://thoibaonganhang.vn/vamc-la-hat-nhan-hinh-thanh-thi-truong-mua-ban-no-97285.html, truy cập ngày 23/6/2020.
/thua-ke-tai-san-khi-khong-co-di-chuc-nhung-bat-cap-va-kien-nghi.html