/ Hoạt động Luật sư
/ Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: 'Luật sư phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp'

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: 'Luật sư phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp'

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tài trợ, sáng ngày 02/10/2020, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) đã tổ chức Hội thảo: “Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” nhằm triển khai, quán triệt về một số điểm mới và những vấn đề cần phải lưu ý khi triển khai thực hiện Bộ Quy tắc. Tạp chí Luật sư Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Hội thảo.

Kính thưa Bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam;

Kính thưa Bà Audrey-Anne ROCHELEMAGNE, Tùy viên, Phòng Quản trị và Pháp quyền, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam;

Kính thưa các quý vị đại biểu và các Luật sư đồng nghiệp.

Ít có một nghề nào trong xã hội lại có được một Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp tương đối hoàn thiện, bao quát được những quan hệ xã hội căn bản trong hoạt động hành nghề như nghề Luật sư. Từ đó, đã tạo tiền đề và cơ sở cho việc xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư.

Ít có nghề nào trong xã hội lại nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dân và cộng đồng xã hội khi sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư. Thực tiễn cho thấy chỉ có nghề Luật sư và đội ngũ Luật sư mới có khả năng đưa pháp luật vào tận ngóc ngách của đời sống xã hội một cách thiết thực và thực chất nhất. Do đó, khi người dân và các chủ thể xã hội có những mâu thuẫn tranh chấp là họ thường nghĩ ngay tới việc cần phải sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư, nhờ Luật sư tư vấn trước khi  đề nghị các cơ quan công quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Vị trí, vai trò của nghề Luật sư là hết sức rộng lớn trong đời sống xã hội nhưng cũng chính vì thế cũng hết sức nặng nề về trách nhiệm xã hội về bổn phận nghề nghiệp để có được sự tin cậy của người dân. Vậy, bằng cách nào Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư có thể thể hiện được đầy đủ trách nhiệm phục vụ xã hội, phụng sự công lý và có thể phát huy được những tiềm năng  to lớn mà xã hội và bản chất nghề nghiệp đem lại từ đó sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội, đồng thời xây dựng và phát triển nghề Luật sư một cách vững bền.

Lịch sử phát triển nghề Luật sư trên thế giới và ở Việt Nam đều cho thấy: nền tảng căn bản nhất để xây dựng và phát triển nghề nghiệp Luật sư là phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả nhất.

Yêu cầu đó đòi hỏi người mới vào nghề cũng như người hành nghề lâu năm, vài chục năm khi ứng xử đều phải giống nhau về nội dung và tinh thần đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, người dân mới tin vào Luật sư, nghề Luật sư. Để làm được những yêu cầu như vậy với cả đội ngũ Luật sư là việc không phải dễ và không thể nhanh chóng trong một vài năm mà có thể mất tới hàng chục năm đến cả trăm năm thì mới tạo lập được sự tin cậy của xã hội với nghề Luật sư.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, tháng 7/2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc khóa I  của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, qua gần 10 năm thực hiện, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư đã phát huy tác dụng trong việc xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư, hướng dẫn hành vi ứng xử cho Luật sư trong quá trình hành nghề. Nhờ đó, các Luật sư khi hành nghề đã tự soi mình trước những quy tắc để từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu và niềm tin với khách hàng và cộng đồng xã hội. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã ghi nhận những đóng góp của đội ngũ Luật sư vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Một trong những yếu tố góp nên thành công về kết quả hoạt động cho mỗi Luật sư và cả đội ngũ đó chính là việc ban hành và thực hiện Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Sau 10 năm thực hiện Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy cần phải có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thay đổi của đời sống kinh tế xã hội và yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư. Vào tháng 12/2019, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam sửa đổi.

Bộ Quy tắc có nhiều quy tắc mới, quy định rõ và cụ thể hơn về những vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong bối cảnh cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hôm nay, với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ (EU JULE) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam), Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phổ biến, quán triệt triển khai thi hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam" ban hành tháng 12/2019.

Thông qua diễn đàn quan trọng này, đại diện của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của các Đoàn Luật sư sẽ cùng nhau trao đổi, làm rõ các nội dung mới của Bộ Quy tắc và đặt ra các yêu cầu để triển khai việc phổ biến nội dung của Bộ Quy tắc đến các Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư mình. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các Đoàn Luật sư cần phải quán triệt sâu sắc đến các Luật sư để các Luật sư hiểu rõ, đầy đủ những nội dung mới cũng như toàn bộ nội dung của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Từ đó tiếp tục xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư, xây dựng niềm tin vững chắc của khách hàng và cộng đồng xã hội vào đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư.

Trên tinh thần đó, thay mặt Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam tôi xin phép được khai mạc Hội thảo "Phổ biến, quán triệt, triển khai Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam" tới đại diện của các Đoàn Luật sư. Đề nghị các vị Luật sư đồng nghiệp sẽ triển khai tinh thần này đến từng Luật sư thành viên.

Xin được trân trọng cảm ơn Liên minh Châu Âu (EU), tổ chức UNDP Việt Nam đã phối hợp và hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo quan trọng này.

Xin gửi tới Quý vị đại biểu, các Luật sư đồng nghiệp lời chúc sức khoẻ, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Luật sư, Tiến sĩ ĐỖ NGỌC THỊNH
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
/ket-qua-tu-nhung-tam-long.html