Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 16, sáng ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.
Báo cáo tại phiên họp đối với việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương, những cố gắng và kết quả đạt được của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cả người dân Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết.
Với vai trò là thủ đô của cả nước, qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý; huy động và chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước; chia sẻ khó khăn, tăng cường gắn kết nguồn lực giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay, UBND thành phố mới báo cáo HĐND thông qua 01/06 Đề án phí; việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho thành phố; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời; một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Nghị quyết khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan; việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình chưa kịp thời…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có 1 mã định danh riêng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ thẩm tra về Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội.
Mặc dù báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội còn 2 năm nữa mới báo cáo nhưng theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong báo cáo cần đề cập việc Quốc hội rất quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ nghiên cứu để cụ thể những việc mà thành phố chưa làm được.
Về mã định danh cá nhân đối với xe ô tô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có 1 mã định danh riêng.
Đối với việc sử dụng hạn mức tiền vay nợ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần có mức trần, nguồn tiền dự trữ để thực hiện các dự án lớn của Thủ đô.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân. Cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn vướng mắc và giải pháp triển khai chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, TP.Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho TP. Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.
DUY ANH
TP. Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết tăng mức học phí cấp THCS và THPT