/ Đời sống - Xã hội
/ Chú trọng xét nghiệm và phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách

Chú trọng xét nghiệm và phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách

20/09/2021 03:50 |

(LSVN) - Bộ Y tế vừa ban hành Công điện 1436/CĐ-BYT về việc quán triệt công tác xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Ảnh minh họa.

Tại Công điện, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố tiếp tục khẩn trương tổ chức triển khai các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT và phổ biến đến tất cả các quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Các địa phương tập trung thực hiện tại các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, vướng mắc còn tồn tại.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố trên cơ sở kết quả thực hiện, quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Tại các địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), thực hiện việc xét nghiệm với các nhóm nguy cơ, các địa điểm nguy cơ, để kịp thời điều chỉnh phù hợp các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, ngày 15/9, Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 1409/CĐ-BYT nhấn mạnh khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Mục tiêu của thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày), triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, đồng thời tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Công điện 1409 cũng nhấn mạnh việc thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 03 lần trong 07 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR). 

Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 05 - 07 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn. Đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân; Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

VÕ QUÝ

TP. HCM sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ nếu để xảy ra tình trạng đông người

Admin