(LSVN) - Lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định chưa tiến hành xử phạt người dân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Nghị định 45/2022 từ ngày 25/8 tới.
Ảnh minh họa.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, đã bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8 tới.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 26, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8 đã nêu rõ nội dung: "Xử phạt từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".
Thực tế, đã có nhiều luồng ý kiến lo ngại việc người dân, hộ gia đình sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, nhiều người đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.
Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực, tức là thời điểm Nghị định này có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy.
Theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ TN&MT để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.
Theo ông Thịnh, Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác…ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.
"Tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại như thế nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 03 năm để triển khai áp dụng chế tài này. Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt", ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp gần nhất ở Bộ TN&MT về dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) cho rằng, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại dựa trên các yêu cầu xử lý và theo 03 nhóm gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tùy theo từng khu vực, tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, quy mô công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… có thể lựa chọn những phương thức phân chia theo nhóm chất thải khác nhau cho phù hợp với từng khu vực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Bên cạnh đó, các địa phương có thể tổ chức phân chia thêm thành các nhóm chất thải như: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu Tổng cục Môi trường hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, trong đó nêu rõ nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn chi tiết, cụ thể để UBND các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý rác…
QUÝ NGUYỄN
Đơn giản hoá thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu