Ảnh minh họa.
Theo đó, trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, về lĩnh vực ngân hàng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm.
Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới băn khoăn về việc hiện nay có còn tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng không và điều này có tác động đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hiện nay hay không. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng có giải trình thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm vấn đề mà Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới vừa đề cập.
Là chủ nhiệm cơ quan thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra dự thảo Luật cho thấy sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt, vi phạm đã xử lý rồi, tuy nhiên cơ chế để xử lý dứt điểm các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chính sách mới đề xuất như giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng hay tỉ lệ sở hữu cổ phần có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo hay không vẫn chưa khẳng định được. Ngược lại, việc mở rộng hơn hay thu hẹp hơn đều có ảnh hưởng đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với vấn đề về nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực) đến ngày 28/8/2023, xử lý được hơn 400.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu có xu hướng tăng, nợ xấu nội bảng đến 3,36%. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt ra vấn đề về việc luật xử lý thế nào, luật hóa quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 ra sao vẫn còn ý kiến khác nhau.
Báo cáo giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng là vấn đề Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trên hồ sơ thì sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục. Cụ thể là trên hồ sơ cá nhân, tổ chức nào giữ tỉ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay đã thể hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng. Vấn đề này qua điều tra và một số vụ việc vừa qua phát hiện. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước đang rất quan tâm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng cũng là vấn đề trọng tâm.
Tuy nhiên, nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có, bởi theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định như dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch thì mới hướng tới giảm tình trạng này.
Với lo ngại quy định trong luật tác động tới thị trường chứng khoán, tăng chi phí, thủ tục, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vấn đề ưu tiên khi xây dựng luật là đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Do đó, việc phân tích đánh giá tác động cần bức tranh lớn hơn đó là vai trò của tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nền kinh tế.
Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay nợ xấu tăng lên. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sử dụng biện pháp tiếp tục xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, những cảnh báo được đưa ra rất cần thiết để Chính phủ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Liên quan đến ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung vào việc nới lỏng tiếp cận tín dụng, để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn, đẩy mạnh tình hình sản xuất kinh doanh.
TRẦN QUÝ