/ Tin tức
/ Chưa đề xuất thêm phương án mới về rút bảo hiểm xã hội một lần

Chưa đề xuất thêm phương án mới về rút bảo hiểm xã hội một lần

19/03/2024 20:05 |

(LSVN) - Liên quan đến việc sửa đổi quy định về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến tập trung vào 02 phương án Chính phủ trình, chưa có thêm phương án được đề xuất.

Ảnh minh họa.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Liên quan đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tại Tờ trình số 527/TTr-Cp ngày 10/10/2023, Chính phủ trình 02 phương án liên quan bảo hiểm xã hội một lần. Cả 02 phương án đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW là hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.

Cụ thể, phương án 1 đề xuất quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần với hai nhóm người lao động khác nhau:

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu thì được nhận một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) không được nhận một lần (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 01 lần cho các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).

Trong khi đó, phương án 2 cơ quan soạn thảo đề xuất, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong quá trình thảo luận cho ý kiến và tham vấn chính sách, cơ quan soạn thảo thấy rằng phương án 1 tối ưu hơn. Cả hai phương án đều phải chấp nhận lát cắt nhất định, song về mặt xã hội, cần phải ưu tiên phương án giảm thiểu sự phản ứng của người lao động.

Thời gian qua nội dung này cũng đã được Ủy ban Xã hội của Quốc hội cùng các bộ ngành, cơ quan liên quan nhiều lần trao đổi, thảo luận; trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến tập trung vào 02 phương án Chính phủ trình, chưa có thêm phương án được đề xuất.

TRẦN MINH

Năm học 2024-2025, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập ở Hà Nội chiếm hơn 60%

Nguyễn Hoàng Lâm