Ảnh minh họa.
Đề xuất thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy đang được đưa ra thảo luận lấy ý kiến người dân và cơ quan chức năng. Các ý kiến tranh luận được chia ra hai luồng trái chiều nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất, đề nghị nên triển khai thu phí khí thải ô tô, xe máy để bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, dần tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới và có thêm khoản thu để cải thiện môi trường sống.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại đa số ý kiến lại cho rằng không nên hoặc chưa nên thu phí khí thải ô tô, xe máy tại thời điểm hiện nay.
Quan điểm của người tác giả là ủng hộ ý kiến chưa nên thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy ở thời điểm hiện tại, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, theo thông lệ các nước phí, thuế khí thải ô tô, xe máy thường không đánh vào túi người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nước ta chủ yếu đang là nơi tiêu thụ ô tô, xe máy sản xuất nguyên chiếc hoặc nhập gần như toàn bộ linh, phụ kiện từ các nước về lắp ráp. Do đó, nếu bắt người tiêu dùng chịu loại phí này thì vô hình chung chúng ta đã "tự lấy đá ghè chân mình", sẽ thiệt thòi cho người dân, trong khi đối tượng lẽ ra phải trả phí này là các nhà sản xuất.
Thứ hai, căn cứ để thu phí khí thải là theo số lượng khí CO2 đã thải ra môi trường. Vì vậy, để đảm bảo công bằng cho người sử dụng phương tiện thì phải đo số lượng năng lượng tiêu thụ hay khí thải ra bằng định lượng với con số cụ thể. Do đó, để tổ chức thực hiện phải tiến hành đo khí thải từng ô tô, xe máy và như thế cần nguồn lực rất lớn, trong khi ngân sách của đất nước chúng ta còn khó khăn. Đây là điều bất hợp lý, cần cân nhắc kỹ vì "bỗng dưng" lại phải chi một khoản ngân sách lớn, tốn kém để triển khai vấn đề chưa cần thiết, cấp bách.
Thứ ba, nước ta là nước đang phát triển, số lượng khí thải ra môi trường so với các nước phát triển không đáng kể và dư địa khí thải cần phải tuân theo tiêu chuẩn thế giới còn khoảng cách khá xa. Trong khi mức sống người dân còn khó khăn, rất cần tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nếu chúng ta thu phí khí thải ô tô, xe máy tại thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, kế sinh nhai của bộ phận lớn người dân. Đó là khi phương tiện đi lại của họ không đảm bảo tiêu chuẩn phải loại bỏ hoặc họ phải định kỳ chi một khoản tiền để đóng phí khí thải.
Thứ tư, mức độ ô nhiễm không khí ở các địa phương khác nhau, nếu áp dụng chung cho cả nước sẽ gây ra bất hợp lý, vì ở một số địa phương mức độ ô nhiễm do con người gây ra không nhiều và mức độ ô nhiễm không khí chung cũng không đáng kể. Như vậy, có thể gây cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cả nước.
Ngoài ra, hiện nay người dân đã đóng phí đường bộ định kỳ hàng năm nếu đóng thêm phí khí thải sẽ là "phí, chồng phí", gây ra gánh nặng cho người dân, nhất là người nghèo, khó khăn về kinh tế. Đó là chưa kể khi tiêu thụ xăng, dầu thì người tiêu dùng đã phải đóng một khoản phí bảo vệ môi trường khá cao được tính theo từng lít nhiên liệu tiêu thụ.
Vì vậy, chưa nên triển khai thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy tại thời điểm hiện nay mà cần xem xét các giải pháp khác hiệu quả, khả thi và ít gây ra tác động tiêu cực hơn. Theo đó, để giảm khí thải do ô tô, xe máy gây ra nên tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng nhằm tạo thuận tiện cho người dân đi lại và giảm sử dụng phương tiện cá nhân.
Điều này vừa góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế đất nước; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến người dân và nền kinh tế khi thực hiện thu phí khí thải ô tô, xe máy ở thời điểm chưa phù hợp.
ThS, Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Bộ Công an đảm bảo an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước gắn chip