/ Tin nổi bật
/ Chuẩn bị 2 kịch bản phòng chống Covid-19 trong thời gian tới

Chuẩn bị 2 kịch bản phòng chống Covid-19 trong thời gian tới

15/04/2022 03:18 |

(LSVN) - Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, với các nghiên cứu, cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành y tế đã đưa ra hai kịch bản về diễn tiến dịch Covid-19 có thể xảy ra.

Ảnh minh họa. 

Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng Ba do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng ba đến nay. Tình hình dịch của Việt Nam tương đồng với một số nước trong khu vực như Malaysia và Singapore chạm đỉnh dịch vào khoảng 8 đến 9 tuần sau khi ghi nhận biến thể Omicron xâm nhập và thời gian qua số ca mắc ghi nhận theo ngày của các nước này đã có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, theo Cục Y tế Dự phòng, việc phòng chống dịch không phải của một địa phương, một quốc gia mà trên phạm vi toàn thế giới. Với các nghiên cứu, cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành y tế đã đưa ra hai kịch bản về diễn tiến dịch Covid-19 có thể xảy ra.

Kịch bản bệnh lưu hành bình thường

Kịch bản thứ nhất là biến chủng Omicron đang lưu hành dần dần sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và miễn dịch từ những trường hợp đã mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Với kịch bản này, nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa bệnh Covid-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường mới. Mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Bên cạnh đó, chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao là những người cao tuổi, người có bệnh nền. 

Kịch bản dự phòng trong tình hình mới

Hiện nay sự hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện, các hoạt động giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Có thể có biến thể SARS-CoV-2 mới tiếp tục xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể thay đổi làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.

Với kịch bản thứ hai, nước ta sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng làm trước kia. Đến thời điểm này, trong công tác phòng chống Covid-19, đã có nhiều vũ khí như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên phải thường xuyên cập nhật hơn nữa về thuốc điều trị mới và đặc biệt là công nghệ vaccine. 

Ngoài ra, Cục Y tế Dự phòng cũng nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn có nhiều thách thức, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể giảm động lực hoặc kháng lại vaccine. Đặc biệt, mọi người luôn phải nghĩ tới tình huống nhiều người đã mắc Covid-19 hoặc tiêm chủng với kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.

PV

Chính phủ đồng ý tiếp nhận viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi

Nguyễn Mỹ Linh