/ Thư viện pháp luật
/ Chuẩn bị ban hành Thông tư quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự

Chuẩn bị ban hành Thông tư quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo (lần hai) Thông tư quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.

Ban hành kèm theo dự thảo Thông tư có 300 biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách sử dụng trong hoạt động điều tra hình sự, gồm: Các biểu mẫu sử dụng trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; Biểu mẫu sử dụng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; Biểu mẫu sử dụng trong phân công điều tra, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; Biểu mẫu sử dụng khi tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; Biểu mẫu sử dụng khi tiến hành biện pháp điều tra đặc biệt; Biểu mẫu sử dụng trong việc bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác; Biểu mẫu sử dụng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân,...

Trong đó có một số Biểu mẫu sử dụng liên quan đến người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, cụ thể: Yêu cầu phân công người bào chữa (trong trường hợp chỉ định người bào chữa); Thông báo về việc đăng ký bào chữa; Thông báo từ chối việc đăng ký bào chữa; Thông báo về việc hủy bỏ đăng ký bào chữa; Thông báo về việc hủy bỏ đăng ký bào chữa; Thông báo về việc thay đổi/hủy bỏ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Thông báo cho người bào chữa về việc tiến hành hoạt động điều tra; Biên bản về việc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa; Biên bản giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật; Biên bản về việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án (dùng cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự).

Riêng biểu mẫu Thông báo đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng và Sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không được quy định trong Thông tư 61/2017/TT-BCA, đã được quy định tại Điều 18 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Việc sử dụng và quản lý biểu mẫu trong hoạt động điều tra hình sự phải đảm bảo nguyên tắc: Chỉ sử dụng các biểu mẫu trong hoạt động điều tra hình sự, các biểu mẫu phải được quản lý và sử dụng đúng mục đích cho hoạt động điều tra hình sự. 

Việc ghi thông tin trong từng biểu mẫu phải bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sử dụng linh hoạt bản mềm đối với những biểu mẫu cần phải thể hiện nhiều nội dung thông tin, không làm thay đổi, mất bố cục và nội dung biểu mẫu. 

Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.

Luật sư HỒNG HÀ

Phân chia quyền, nghĩa vụ giữa những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Lê Minh Hoàng