‘Chúng ta đã giữ được cái Tết an lành trong điều kiện bình thường mới’

13/02/2021 17:33 | 3 năm trước

(LSVN) - Chiều 13/2 (mùng 2 Tết) Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đến giờ phút này chúng ta đã giữ được cái Tết an lành trong điều kiện mới”. Ảnh: VGP/Đình Nam

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong vòng 14 ngày vừa qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương), đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày, thời gian đầu ghi nhận trung bình 15 ca/ngày nhưng nay đã giảm 50% số ca mắc trong ngày, có thời điểm chỉ ghi nhận 1 đến 2 ca trong ngày.

Trong vòng 4 ngày nghỉ Tết vừa qua (từ ngày 10/2/2021 đến nay) đã ghi nhận tổng cộng 72 trường hợp mắc trong nước tại 7/13 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (56), Quảng Ninh (6), Gia Lai (5), Hà Nội (2), Hồ Chí Minh (1), Bắc Ninh (1) và Bắc Giang (1); các ca mắc được ghi nhận chủ yếu tại Hải Dương (chiếm 77,8%), Quảng Ninh (8,3%) và Gia Lai (2,8%).

Các trường hợp mắc mới tại các tỉnh, thành phố nêu trên là các trường hợp đã được cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng, phần lớn đều xác định được nguồn lây liên quan tới ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh. Riêng đối với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản đã được kiểm soát, với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt; tính từ thời điểm ghi nhận 29 ca mắc (ngày 8/2), cao nhất trong ngày tại TP. Hồ Chí Minh, đã qua 5 ngày Thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 1 đến 2 trong ngày.

Có 6 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không nghi nhận ca mắc mới, gồm: Hải Phòng (16 ngày), Hòa Bình (13 ngày), Điện Biên (9 ngày), Hà Giang (9 ngày), Bình Dương (8 ngày) và Hưng Yên (5 ngày).

Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM khi chỉ còn vài ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại. Do vậy, khi phát hiện trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng thì cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo trực tuyến tình hình dịch bệnh ở TP. HCM. Ảnh: VGP/Đình Nam

TP. HCM: Dệt dày thêm lưới tầm soát

Tại đầu cầu TP. HCM, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Đến thời điểm này, từ chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngành y tế đã phát hiện 36 ca nhiễm. TP. HCM đã xét nghiệm trên 5.000 trường hợp tiếp xúc gần, cơ bản là âm tính. Đồng thời cũng tiến hành xét nghiệm tầm soát ở những khu vực trọng điểm, đông người qua lại, tổng số hơn 4.800 mẫu đã được lấy, trên 2.000 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Về biến thể virus gây chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến thực tế tại TP. HCM cho thấy chưa có chứng cứ cho thấy chủng này có khả năng lây lan nhanh. “Vì vậy, sau khi xem xét, phân tích các kết quả nghiên cứu, giả thiết, các biện pháp đã được triển khai, Bộ Y tế nhận định cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở TP. HCM với những biện pháp mạnh (khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, xét nghiệm diện rộng). Bộ vẫn đề nghị Thành phố mở rộng diện xét nghiệm, nhất là với các khu công nghiệp, đây cũng là khuyến cáo chung với các địa phương. Chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát diện rộng, quét hết tất cả những nơi nghi ngờ, càng mở rộng lấy mẫu bao nhiêu, càng yên tâm bấy nhiêu, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Qua nghe phân tích sâu các nguyên nhân, dự báo các khả năng để tìm ra nguồn ổ bệnh ở TP. HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đã có thêm thông tin nghi ngờ biến thể virus này thâm nhập qua tiếp xúc của một số nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất với thợ máy, nhân viên của chuyến bay chở hàng từ một số nước có biến thể này đến Việt Nam (các nhân viên, thợ máy của các hãng hàng không đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chỉ ở trên máy bay, không nhập cảnh). Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào sân bay.

“Vì vậy, chúng ta phải tiếp trục phải truy vết thật nhanh, khoanh vùng cách ly; phân tích virus, để dự báo, tìm nguồn lây; điều trị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý TP. HCM là địa phương lớn vì vậy lưới tầm soát diện rộng phải “dệt thêm” để tấm lưới tầm soát dày hơn nữa.

“Bên cạnh đó, việc xét nghiệm tất cả những người có biểu hiện nghi ngờ, khi đến khám tại các cơ sở y tế, hay những bệnh nhân nội trú có nguy cơ, các đồng chí cần định kỳ xét nghiệm các trường hợp ở những điểm có nguy cơ cao. Đây là điều rất quan trọng đối với những đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén của anh em trên thực địa”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thường trực Ban Chỉ đạo nghe lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hà Nội báo cáo trực tiếp qua điện thoại về tình hình dịch bệnh đến chiều 13/2. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sản xuất phải an toàn

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hà Nội báo cáo trực tiếp qua điện thoại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết đến nay tỉnh đã kiểm soát hoàn toàn tình hình dịch bệnh ở TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn. Các ca nhiễm mới đều nằm trong khu cách ly, điểm phong tỏa, không có khả năng lây ra cộng đồng. Một số nơi đã dỡ phong tỏa, cách ly.

Huyện Cẩm Giàng là nơi đáng quan tâm nhất do địa phương này có nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Tuy nhiện, đến nay các ca nhiễm mới đều là F1, đã được cách ly y tế tập trung. Liên quan đến ổ dịch ở khu vực này, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý các địa phương phải yêu cầu người đến từ Cẩm Giàng phải khai báo y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương phải lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời rà soát những người liên quan.

“Các huyện, thị trong tỉnh chống dịch với tinh thần rất cao, rất quyết liệt. Tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục siết chặt những khu vực phong toả; phối hợp với quân đội quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly F1 (coi như F0)”, ông Lương Văn Cầu cho biết.

Hải Dương cũng đang xây dựng kế hoạch liên ngành triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, ưu tiên tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại các doanh nghiệp trong vùng có dịch như các khu công nghiệp thuộc địa bàn TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng…  Các nhà máy, phân xưởng và công nhân phải bảo đảm an toàn về phòng chống dịch mới được tiếp tục sản xuất.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết trong hai ngày mùng 1, mùng 2 Tết, mỗi ngày thành phố có 1 ca nhiễm đều là F1 đã cách ly trước đó. Do vậy, không có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, TP. Hà Nội xét nghiệm hơn 12.000 mẫu ở sân bay Nội Bài, tất cả đều âm tính.

“Đến giờ phút này Hà Nội đã kiểm soát tốt và sẽ tiếp tục siết chặt công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết từ ngày 29 Tết đến nay toàn tỉnh duy trì nghiêm lịch trực 24/24 phòng chống dịch bệnh. Hàng vạn người được động viên không về quê ăn tết.

Tỉnh đã chủ động rà soát, xét nghiệm diện rộng với hơn 73.000 mẫu, tập trung vào các trường hợp có nguy cơ cao để tầm soát, phát hiện sớm người nhiễm Covid-19. Hiện tại, Quảng Ninh đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tính đến thời điểm này, tổng số truy vết trong toàn tỉnh là 104.233 trường hợp. Trong đó, liên quan ổ dịch ở Vân Đồn là 38.310 trường hợp; liên quan ổ dịch ở Hải Dương là 65.923 trường hợp.

“Quảng Ninh đã kiểm soát tốt dịch bệnh và vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp quyết liệt để phòng ngừa”, bà Nguyễn Thị Hạnh nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở các địa phương tiếp tục siết chặt công tác phòng chống dịch, luôn sẵn sàng, không được lơ là, chủ quan, khi cả nước quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Tết an lành trong điều kiện bình thường mới

Sau khi nghe báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến của các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có ca nhiễm, trong những ngày Tết vừa qua đã cố gắng thực hiện nghiêm các yêu cầu về chuyên môn của Bộ Y tế. “Đến giờ phút này chúng ta đã giữ được cái Tết an lành trong điều kiện mới”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn đến đội ngũ thầy thuốc, cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, những lực lượng làm nhiệm vụ từ cấp tỉnh đến các cụm dân cư đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch. Nhờ vậy, đến giờ phút này, theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo và báo cáo trực tiếp của một số tỉnh, chúng ta đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Các ca nhiễm mới đều nằm trong khu cách ly, phong tỏa, không có nguy cơ lây ra cộng đồng.

Tuy vậy, “chúng ta vẫn không được mất cảnh giác, vẫn phải tiếp tục!”, nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt biên giới, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các khu cách ly tập trung, nhất là khu cách ly những người nhập cảnh qua đường bộ.

Từ thực tế đợt dịch vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh phải rút kinh nghiệm, sẵn sàng cho tình huống khi phát hiện ổ dịch ở nơi tập trung đông người, phải cách ly tập trung ngay, như trường hợp ở ổ dịch tại nhà máy POYUN với khoảng 3.000 người. “Không được để lãng phí một giờ, phút nào và cách ly phải thật an toàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua cho thấy, sau khi điểm trúng ổ dịch thì năng lực xét nghiệm là rất quan trọng. Vì vậy, tới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế phải hướng dẫn để các tỉnh, thành phố sẵn sàng về năng lực xét nghiệm, đáp ứng tốc độ truy vết, lấy mẫu ngay từ những ngày đầu; vận dụng cơ chế thuê dịch vụ, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho những đơn vị, DN có đủ năng lực xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng kêu gọi người dân luôn luôn cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang. Thực tế cho thấy đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang vải đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đều có tác dụng ngăn ngừa virus. Các tỉnh tiếp tục xử phạt những người ra nơi công cộng không đeo khẩu trang.

“Sau kỳ nghỉ Tết, khi quay trở lại làm việc, các địa phương phải tăng cường chỉ đạo tất cả cơ sở y tế, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, bến bãi… thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoanCovid.vn) trên tinh thần an toàn mới hoạt động và chịu trách nhiệm trước chính quyền các cấp”, Phó Thủ tướng nói.

TRẦN MẠNH - ĐÌNH NAM/VGP