/ Tin tức
/ Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

21/02/2024 07:02 |

(LSVN) - Trong năm 2024, sẽ tổ chức 12 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 02 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 3 và tháng 8) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ảnh minh họa.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 941/NQ-UBTVQH15 chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến và tổ chức thực hiện chương trình, chủ trì Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tổ chức kỳ họp bất thường trong trường hợp cần thiết để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định.

Chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.  Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến  tháng 4 và tháng 8/2024), các cuộc họp, hội nghị khác để lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, cơ quan, tổ chức hữu quan về một số dự án luật và các vấn đề quan trọng khác khi cần thiết.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, năm 2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, tập trung chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp theo yêu cầu trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chỉ đạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp mới, chưa có trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 để triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội.

Chỉ đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật, nghị quyết mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xác định thứ tự ưu tiên khi xem xét đưa vào Chương trình trên cơ sở sự cần thiết ban hành của các dự án, dự thảo được đề nghị, bảo đảm tính khả thi của Chương trình và cân đối hài hòa với khối lượng công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội và các nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; quyết định Chương trình giám sát năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025; ban hành kế hoạch triển khai Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các kế hoạch, đề cương báo cáo của các chuyên đề giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Theo Nghị quyết, sẽ tổ chức 12 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 02 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 3 và tháng 8) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời tổ chức phiên họp bất thường và các phiên họp khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết các công việc cấp bách, cần thiết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.

HUY NGUYỄN

Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống tiền giả

Nguyễn Mỹ Linh