/ Đời sống - Xã hội
/ Chuyên gia nói về triển vọng công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam

Chuyên gia nói về triển vọng công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam

05/01/2021 18:03 |

Kể từ sáng 16/4, đến nay, cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng Việt Nam đã đến gần thời điểm công bố hết dịch Covid-19. Nói về nhận định này, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, về điều kiện công bố hết dịch cần theo quy định Luật Bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, quy định hiện hành là 28 ngày, tính từ ngày bệnh nhân cuối cùng từ cộng đồng được cách ly tại cơ sở y tế và không phát sinh bệnh nhân mới, mới có thể tính đến công bố hết dịch. Bên cạnh đó, các biện pháp chống dịch phải triển khai đầy đủ theo Luật Bệnh truyền nhiễm, bảo đảm dịch không còn nguy cơ.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Do đó, Việt Nam phải xác định duy trì phòng, chống dịch lâu dài. PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: “Dù nước ta có ghi nhận các ca mắc mới hay không thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch, đó là đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần, tránh tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài, nhất là người già và người có bệnh lý nền, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế, đặc biệt với những người có ho, sốt, triệu chứng nghi vấn hoặc có yếu tố dịch tễ. Tôi thấy, những ngày gần đây, người dân đã rất chủ quan khi đi tắm biển, ngồi ăn gần nhau, tụ tập đông người không đeo khẩu trang... Người dân cho rằng, dịch đã hết, điều này rất đáng lo ngại".

Theo Quy định số 2 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi xác định dịch hết nguy cơ và phải đưa ra được các biện pháp triển khai tiếp việc phòng, chống, bảo đảm không còn lây lan mới được công bố hết dịch.

Ông Phu cho biết thêm, trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia - cũng cho biết Ban Chỉ đạo vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì không thể chủ quan trong khi số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao.

Hiện nay nhiều người hay nhắc tới làn sóng thứ hai, được hiểu là hết dịch rồi lại bị bùng phát trở lại. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tại Việt Nam khó xảy ra nguy cơ này vì việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch đã và đang được làm rất tốt. Thời gian tới, có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra nhưng chỉ là rải rác và sẽ kiểm soát được. Dù vậy, người dân không nên chủ quan, bởi nếu không tuân thủ các biện pháp phòng, chống, dịch sẽ bùng lên như một số nước.

THÁI HÀ/TPO

/truong-hop-khong-bat-den-khan-cap-de-do-xe-tren-tuyen-duong-cam-dung-do-bi-xu-ly-ra-sao.html
/huong-toi-ky-niem-60-nam-ngay-thanh-lap-nganh-kiem-sat-nhan-dan-1960-2020-chat-luong-tranh-tung-cua-kiem-sat-vien-tai-phien-toa-nhin-tu-goc-do-luat-su.html
/nam-cam-ky-13-to-chuc-lien-minh-co-bac-bip-hut-mau-ca-than-tinh.html