Ông James Chor Hang Chow (quốc tịch Canada) là một doanh nhân đã làm ăn sinh sống ở Việt Nam hơn 30 năm. Ông từng bị kết án oan nhưng chưa được bồi thường oan sai, xin lỗi.
Ngày 28/6, chúng tôi vào Bệnh viện Chợ Rẫy thăm ông James Chor đang nằm trong phòng cách ly do bị nhiễm trùng máu.
Chúng tôi được phép gặp ông James 5 phút, thấy ông tỉnh táo, gật đầu nhận ra luật sư của mình. Nhưng tối 30/6, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, khi không có người thân bên cạnh và tài sản, tiền bạc cũng không còn gì.
Bị tù vì nợ tiền thuê vận tải
Ông James không có người thân thích ở Việt Nam. Người "thân" duy nhất là ông Đặng Thành Long (60 tuổi), thực ra là người từng làm phiên dịch cho ông James, cũng là người đã giúp đỡ, chăm sóc và đưa ông vào bệnh viện sau khi ông không thể tự đi một mình.
"Ông ấy còn nợ nhà trọ 6 tháng, không có tiền ăn cơm, không dám đến bệnh viện dù hai bên mông đã hoại tử. Tôi thấy ông ấy như vậy thì đưa vào bệnh viện. Tự vay mượn tiền và bỏ túi ra để nộp viện phí.
Ông ấy đưa tôi cuốn sổ, dặn dò những việc nhờ tôi giúp, những người tôi cần gọi. Nhưng đến giờ chưa có người thân nào của ông ấy đến thăm" - ông Long kể.
Ông James nguyên là giám đốc đại diện Công ty VanPac Timer Trading Co. Ltd (Hong Kong), chuyên kinh doanh gỗ. Từ năm 1980, công ty này đã có nhiều giao dịch làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bất ngờ vào ngày 14/8/1992, ông James bị Công an TP. HCM khởi tố, bắt tạm giam về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".
Nguyên nhân: ông James có ký hợp đồng vận chuyển với các công ty tại Việt Nam (trong đó có Công ty vận tải Khánh Hòa) nhưng nợ tiền chưa thanh toán. Khi bị kiện ra trọng tài kinh tế, phán quyết của trọng tài buộc ông James phải thanh toán số tiền còn nợ này, nhưng ông James khiếu nại nên chưa thanh toán.
Ngoài ra ông James còn nhận hợp đồng đặt cọc (8.000 USD) vận chuyển hàng hóa cho Công ty Khmer Tourmexco. Điều kiện giao hàng là sau khi bên mua mở L/C 30 ngày, nhưng sau đó Khmer Tourmexco chưa mở L/C nên việc giao hàng chưa được thực hiện.
Do đó bản án hình sự sơ thẩm ngày 18/2/1995 của TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông James 2 năm 6 tháng 5 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".
Kèm theo các quyết định về trách nhiệm dân sự và tài sản là thu giữ của ông James hơn 7.600 USD, một tàu vận tải biển. Số tiền và tàu này giao cho các công ty để khắc phục hậu quả, trong đó Công ty vận tải biển Khánh Hòa được giao con tàu.
Sau đó ông James kháng cáo, ngày 14/8/1995, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM đã ban hành bản án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố ông James không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Chỉ là tranh chấp dân sự
Bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao khẳng định: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, ông James Chow thừa nhận có hợp đồng thuê tàu vận tải của 6 đơn vị là những công ty vận tải đường biển của Việt Nam để chuyên chở hàng hóa từ Việt Nam đi nước ngoài và ngược lại.
Việc ký kết hợp đồng giữa ông James (người đại diện công ty) với các công ty vận tải đường biển đều trên cơ sở có văn bản và thỏa thuận với nhau được ghi trong hợp đồng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được trong hồ sơ thì ông James còn nợ cước phí của cả 6 đơn vị trên.
Hội đồng xét xử xét thấy nếu chỉ căn cứ vào yếu tố nợ cước phí vận chuyển của các đơn vị vận tải trong việc thuê tàu, mà quy kết cho bị cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản là không đúng. Bởi lẽ ông James không hề nhận một khoản tiền nào của các đơn vị này.
Ông James cũng không hề chiếm đoạt một phương tiện hay bất kỳ một tài sản gì khác của các đơn vị này. Tòa cho rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự nên cần giải quyết theo pháp luật dân sự.
Trong tổng số bảy đơn vị mà bị cáo có quan hệ làm ăn thì chỉ có Công ty Khmer Tourmexco là bị cáo có nhận 8.000 USD. Việc nhận khoản tiền này là do xuất phát từ việc có một hợp đồng nguyên tắc giữa bị cáo và công ty.
Đây là hợp đồng mua bán ximăng, thuốc lá, bia mà phía công ty là bên mua còn phía bị cáo là đại diện cho một công ty bán. Để đảm bảo việc mua bán, bị cáo có nhận 8.000 USD tiền đặt cọc.
Ngoài ra trong hợp đồng có thỏa thuận là chuyên chở và giao hàng sau khi có L/C 30 ngày. Như vậy điều kiện bắt buộc là phải mở L/C thì mới có hàng hóa. "Tuy nhiên cho đến khi phiên tòa phúc thẩm được mở công ty vẫn chưa mở L/C, vậy lỗi không phải do phía bị cáo gây nên", bản án phúc thẩm nhận định.
Sau đó hai bên chưa gặp được nhau để giải quyết vì bị cáo bị tạm giữ, do vậy cũng không thể kết luận bị cáo lợi dụng trong việc ký kết hợp đồng để chiếm đoạt 8.000 USD. Hai bên không tự giải quyết trong việc thực hiện hợp đồng này thì cũng do pháp luật dân sự điều chỉnh.
Từ phân tích trên cho thấy không có đủ yếu tố để kết luận bị cáo có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" như án sơ thẩm quy kết cho bị cáo. Do đó, hội đồng xét xử tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội.
Sau khi tòa án cấp phúc thẩm có phán quyết trên, ngày 6/9/2007 ông James làm đơn gửi đến TAND TP. HCM, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo nghị quyết 388 với tổng số tiền 27,4 tỉ đồng.
"Sau khi gửi đơn, ông James chờ đợi TAND TP. HCM liên hệ và thông báo cho biết kết quả giải quyết nhưng hoàn toàn không có hồi âm nào.
Bản thân ông James sau đó còn bị bệnh tai biến phải cấp cứu tại bệnh viện, sức khỏe giảm sút, không có tiền trang trải sinh hoạt, tiền thuê nhà. Suốt hàng chục năm qua ông James phải sống dựa vào lòng hảo tâm của người quen" - ông Đặng Thành Long nói.
(Còn tiếp)
Tòa đã nhận đơn yêu cầu bồi thường của ông James Từ năm 2007, sau khi nhận được bản án (bản sao bản án sơ thẩm) của TAND TP. HCM, ông James đã làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị kết tội oan. Tuy nhiên việc đòi bồi thường không nhận được phản hồi gì từ cơ quan chức năng thì ông James bị đột quỵ nên phải chữa trị trong bệnh viện. Mới đây, luật sư Phan Trung Hoài đã hỗ trợ ông James gửi đơn đến TAND TP. HCM yêu cầu được bồi thường oan sai. |
HOÀNG ĐIỆP/TTO