/ Bút ký Luật sư
/ Chuyện về một người câm tham gia bồi thẩm đoàn

Chuyện về một người câm tham gia bồi thẩm đoàn

05/01/2021 17:52 |

LSVNO - Tuy không nói được, nhưng sự chú tâm của người phụ nữ này sẽ dẫn đến một quyết định cực kỳ quan trọng của bồi thẩm đoàn là có đạt được sự nhất trí tuyệt đối nhằm hình thành phán quyết...

LSVNO - Tuy không nói được, nhưng sự chú tâm của người phụ nữ này sẽ dẫn đến một quyết định cực kỳ quan trọng của bồi thẩm đoàn là có đạt được sự nhất trí tuyệt đối nhằm hình thành phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hay không…

Chicago mùa này bất chợt vẫn có những cơn mưa chiều cực lớn, phủ một lớp mây mù trên khắp thành phố, với những tiếng sấm ầm vang như thể trời đất đang giao hòa trong cơn biến động. Khách sạn SwissÔtel nơi chúng tôi ở nằm trên phần đất bồi đắp lấn hồ Michigan, có thể chịu được động đất với cấp độ lớn, nên đôi khi cảm nhận dưới chân sự đong đưa của tòa nhà. Trong nhiều câu chuyện thu lượm được dọc hành trình đến với nước Mỹ, tôi nhớ đến hình ảnh một người câm trong phiên tòa xử vụ kiện dân sự của Thẩm phán Edward Washington tại phòng xử lầu 24 tòa nhà Richard S. Deley Center (Court House and Office Building) tọa lạc tại số 50W Washington St. Chicago của Tòa án Hạt Cook.

Để có thể đến thăm một trong những tòa án khu vực có quy mô lớn nhất trên thế giới tọa lạc trên địa hạt có tới 5,1 triệu dân, chúng tôi đã nhận trước các thông tin cần biết về thủ tục an ninh khi bước vào trụ sở Tòa án. Mặc dù đã được hẹn trước, nhưng các thành viên đều phải đi qua cửa kiểm tra an ninh bao gồm máy dò kim loại, kiểm tra đồ dùng cá nhân và túi xách qua máy soi X-quang. Bà Milissa Pacelli, Giám thị thuộc Văn phòng Chánh án Tòa án Hạt Cook với chiếc áo màu hồng giản dị đón Đoàn từ ngoài cửa tòa nhà. Trước khi vào tham quan phòng xử, trong không gian rộng rãi có thể nhìn bao quát một góc trung tâm Chicago, bà Milissa nhiệt tình giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Tòa án Hạt Cook. Tuy không phải là tòa án Liên bang và tòa án bang, chỉ là tòa khu vực, nhưng có tới 418 thẩm phán đang làm việc tại đây, mỗi năm thụ lý tới 1,2 triệu vụ việc.

Phạm vi giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án Hạt Cook cũng rất đa dạng, từ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cá nhân do bị tai nạn trên con đường không được chính quyền địa phương quan tâm sửa chữa, hay hàng xóm gây ồn ào làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân, cho đến các tranh chấp hợp đồng giữa các công ty với nhau và với cá nhân. Đặc biệt khi đến Tòa án Hạt Cook, chúng tôi được trực tiếp tham dự 2 phiên tòa xét xử về yêu cầu bồi thường thiệt hại của những nạn nhân do hành nghề y bất cẩn, vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp của các bác sĩ. Tòa chỉ có thể chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn khi 100% thành viên bồi thẩm đoàn nhất trí. Bà Milissa cho biết, hàng năm có khoảng trên 14.000 vụ kiện dân sự được đưa ra xét xử bởi bồi thẩm đoàn (chiếm tỷ lệ chỉ 3% tổng số vụ kiện dân sự được thụ lý) do đa phần vụ việc được hòa giải thành, rút đơn kiện. Mọi người dân đều có thể đến tham dự bất cứ phiên tòa nào, trừ những vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên. Bà nói vui với chúng tôi: “Bạn có thể vào bất cứ phòng xử nào cũng được, thật hiếm khi thẩm phán chốt cửa phòng xử từ bên trong…”.

Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) trao đổi với các thành viên Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên ABA tháng 8/2012 tại Chicago, Hoa Kỳ.

Chúng tôi đi rất nhẹ nhàng vào phòng xử do Thẩm phán Edward Washington điều khiển phiên tòa trên lầu 24. Quan sát, tôi nhận thấy việc bố trí phòng xử cũng giản dị, với bục chính giữa là chiếc bàn dài có ghế cao dành cho thẩm phán, phía sau là lá cờ Hoa Kỳ và bên phải bàn có một biểu tượng cán cân công lý. Phía dưới có hai chiếc bàn xếp dọc bên phải thẩm phán, dành cho các đương sự và luật sư hai bên, với một chiếc màn hình dùng cho đèn chiếu Head Projecteur khi cần thiết xuất trình chứng cứ. Đối diện với dãy bàn của các đương sự, luật sư nói trên là khu vực dành cho bồi thẩm đoàn với sự hiện diện khoảng 12 người. Họ là những công dân bình thường của nước Mỹ, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt ngành nghề, gốc gác, trình độ hiểu biết…, được lựa chọn ngẫu nhiên qua các thông tin điện tử của cá nhân được lưu giữ qua bằng lái xe hoặc bảo hiểm y tế. Vì thế, có thể thấy cách ăn mặc của họ rất khác nhau, màu da đa chủng tộc, trên tay mỗi người đều có một tập giấy màu vàng chuyên dùng cho bồi thẩm viên và cây viết. Mọi diễn tiến trình bày, tranh luận hay thái độ, trạng thái biểu cảm tâm lý của những người được mời lên chiếc ghế bên tay trái thẩm phán ở vị trí nhân chứng, hay sự đi lại trình bày tự do của luật sư… đều phơi bày trước mọi ánh mắt của các thành viên bồi thẩm đoàn.

Cơ chế lựa chọn bồi thẩm đoàn cho phiên xử cũng khá phức tạp. Sau khi lựa chọn danh sách 36 người dự bị, ngồi ở tầng dưới, thẩm phán sẽ chủ trì quá trình luật sư hai bên sẽ loại bỏ ra 5 người bất kỳ không cần biết lý do, sau đó tiếp tục sàng lọc loại trừ theo yêu cầu của mỗi bên nhưng phải có lý do cho đến khi còn lại 12 người. Ban đầu khi vào phòng xử, tôi đếm thấy có khoảng 13 người, đem thắc mắc này hỏi bà Milissa thì được biết Tòa án đã trưng cầu một người phiên dịch để giúp cho người khiếm thị nằm trong danh sách được lựa chọn tham gia bồi thẩm đoàn cho vụ xử này. Đó là một người phụ nữ da đen đã luống tuổi, ăn mặc trông xuềnh xoàng như người lao động chân tay. Bà này vừa dõi theo cử chỉ của người phiên dịch, vừa nhìn về người phụ nữ gầy gò vì bị tai biến do điều trị không đúng cách của bác sĩ, đang trình bày yêu cầu của mình trước Tòa. Tuy không nói được, nhưng sự chú tâm của người phụ nữ này sẽ dẫn đến một quyết định cực kỳ quan trọng của bồi thẩm đoàn là có đạt được sự nhất trí tuyệt đối nhằm hình thành phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hay không…

Do đến giờ hẹn làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, nên chúng tôi đành phải rời phòng xử trước khi biết được kết quả tuyên án, nhưng hình ảnh người phụ nữ da đen bị câm hiện diện và quyết định đến lá phiếu biểu quyết của bồi thẩm đoàn để lại cho chúng tôi nhiều suy nghĩ và tham khảo về cơ chế tham dự của người dân bình thường cho việc hình thành một phán quyết của tòa án Hoa Kỳ.

LS Phan Trung Hoài