/ Pháp luật - Đời sống
/ Cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025

Cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025

30/06/2025 12:42 |5 ngày trước

(LSVN) - Ngày 24/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) 2025, Luật số 81/2025/QH15 (có hiệu lực từ 01/7).

Trong đó, tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND 2025 đã sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật Tổ chức TAND 2024 về cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh bao gồm:

- Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh;

- Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Căn cứ quy định tại vừa nêu và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi TAND cấp tỉnh, Chánh án TAND Tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách.

- Bộ máy giúp việc.

Chánh án TAND Tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh.

TAND cấp tỉnh có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán TAND, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngoài ra, khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND 2025 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 57 Luật Tổ chức TAND 2024 về Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh. Trong đó, có nêu rõ, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh gồm: Chánh án, các Phó Chánh án và một số Thẩm phán TAND do Chánh án TAND Tối cao quyết định, số lượng thành viên của Ủy ban Thẩm phán do Chánh án TAND Tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh.

Phiên họp Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh do Chánh án chủ trì.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật;

- Thảo luận về chương trình, kế hoạch công tác của TAND cấp tỉnh;

- Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo công tác của Chánh án TAND cấp tỉnh để báo cáo Chánh án TAND Tối cao và Hội đồng nhân dân cùng cấp;

- Thảo luận về kiến nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét lại bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo đề nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh;

- Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.

Thành lập TAND cấp tỉnh, TAND khu vực

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 thành lập TAND cấp tỉnh, TAND khu vực; quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND cấp tỉnh, TAND khu vực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị Thành lập TAND cấp tỉnh.

Cụ thể, thành lập TAND tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Tuyên Quang và TAND tỉnh Hà Giang.

Thành lập TAND tỉnh Lào Cai trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Lào Cai và TAND tỉnh Yên Bái.

Thành lập TAND tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Thái Nguyên và TAND tỉnh Bắc Kạn.

Thành lập TAND tỉnh Phú Thọ trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Phú Thọ, TAND tỉnh Hòa Bình và TAND tỉnh Vĩnh Phúc.

Thành lập TAND tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Bắc Ninh và TAND tỉnh Bắc Giang.

Thành lập TAND tỉnh Hưng Yên trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Hưng Yên và TAND tỉnh Thái Bình.

Thành lập TAND thành phố Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất TAND thành phố Hải Phòng và TAND tỉnh Hải Dương.

Thành lập TAND tỉnh Ninh Bình trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Ninh Bình, TAND tỉnh Hà Nam và TAND tỉnh Nam Định.

Thành lập TAND tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Quảng Trị và TAND tỉnh Quảng Bình.

Thành lập TAND thành phố Đà Nẵng trên cơ sở hợp nhất TAND thành phố Đà Nẵng và TAND tỉnh Quảng Nam.

Thành lập TAND tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Quảng Ngãi và TAND tỉnh Kon Tum.

Thành lập TAND tỉnh Gia Lai trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Gia Lai và TAND tỉnh Bình Định.

Thành lập TAND tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Khánh Hòa và TAND tỉnh Ninh Thuận.

Thành lập TAND tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Lâm Đồng, TAND tỉnh Đắk Nông và TAND tỉnh Bình Thuận.

Thành lập TAND tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Đắk Lắk và TAND tỉnh Phú Yên.

Thành lập TAND Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất TAND Thành phố Hồ Chí Minh, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TAND tỉnh Bình Dương.

Thành lập TAND tỉnh Đồng Nai trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Đồng Nai và TAND tỉnh Bình Phước.

Thành lập TAND tỉnh Tây Ninh trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Tây Ninh và TAND tỉnh Long An.

Thành lập TAND thành phố Cần Thơ trên cơ sở hợp nhất TAND thành phố Cần Thơ, TAND tỉnh Hậu Giang và TAND tỉnh Sóc Trăng.

Thành lập TAND tỉnh Vĩnh Long trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Vĩnh Long, TAND tỉnh Bến Tre và TAND tỉnh Trà Vinh.

Thành lập TAND tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Đồng Tháp và TAND tỉnh Tiền Giang.

Thành lập TAND tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh Cà Mau và TAND tỉnh Bạc Liêu.

Thành lập TAND tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất TAND tỉnh An Giang và TAND tỉnh Kiên Giang.

Sau khi hợp nhất, thành lập, trong hệ thống tổ chức của TAND có 34 TAND cấp tỉnh, trong đó có 19 TAND tỉnh và 04 TAND thành phố được thành lập theo quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 23 Điều này và 11 TAND cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp, gồm TAND các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La và TAND các thành phố: Hà Nội, Huế.

Các TAND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức TAND, các luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Các TAND cấp tỉnh quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 23 Điều này kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các TAND được hợp nhất theo quy định của pháp luật.

Về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND cấp tỉnh đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, các TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc bao gồm: TAND thành phố Hà Nội; TAND thành phố Đà Nẵng; TAND Thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các TAND cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều này đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc được quy định như sau: TAND thành phố Hà Nội có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 18 tỉnh, thành phố, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng; các tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Tuyên Quang;

TAND TP. Đà Nẵng có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 07 tỉnh, thành phố, bao gồm: thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế; các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Quảng Trị.

TAND TP. Hồ Chí Minh có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 09 tỉnh, thành phố, bao gồm: thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh và Vĩnh Long.

Về thành lập TAND khu vực: Thành lập 355 TAND khu vực tại 34 tỉnh, thành phố; số lượng và tên gọi cụ thể của các TAND khu vực tại từng tỉnh, thành phố được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

Các TAND khu vực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức TAND, các luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan; kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các TAND cấp huyện theo quy định của pháp luật với phạm vi được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của 355 TAND khu vực được xác định tương ứng với phạm vi địa giới của các đơn vị hành chính cấp xã được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

 

TRẦN VỸ

Các tin khác