/ Hoạt động Luật sư
/ Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong bối cảnh cải cách tư pháp và môi trường đầu tư ở Việt Nam

Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong bối cảnh cải cách tư pháp và môi trường đầu tư ở Việt Nam

05/07/2021 04:26 |

(LSVN) – Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang vừa cho ra mắt cuốn sách “Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong bối cảnh cải cách tư pháp và môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

Giáo sư, Tiến sĩ Umut Turksen, Đại học Conventry - Trung tâm Tài chính và Doanh nghiệp Liêm chính (Luân Đôn, Vương quốc Anh) trong Lời tựa giới thiệu cuốn sách này nhận xét:

Tôi rất vinh dự khi được chấp bút lời tựa cho một ấn phẩm đương đại với đầy ắp dữ kiện này. Hiện có rất ít sách hoặc ấn phẩm học thuật khác có kết hợp nghiên cứu pháp lý hiện hữu, có tính so sánh, thực hành pháp luật và đánh giá chính sách liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư, đặt trong bối cảnh của các nền kinh tế đang chuyển đổi ở Đông Nam Á. Tác phẩm này là một trong số đó và vì vậy là tư liệu tốt cho cộng đồng học thuật, tư pháp và hành nghề luật ở Việt Nam. Hơn thế nữa, thông qua phương pháp phân tích, thông tin, ấn phẩm này giúp tiếp cận những vấn đề đặc sắc, chi tiết liên quan đến cơ chế pháp lý, chính trị, chính sách của Việt Nam.

Đồng thời, với sự gia tăng số lượng các hiệp định đầu tư, thương mại song và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng nhanh trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả nguồn tiềm năng này với tư cách là nước chủ nhà tiếp nhận đầu tư, cuốn sách cũng chỉ ra rằng Việt Nam cần thực hiện các bước trọng yếu từ nhận thức cho tới thực thi, cụ thể hóa các cam kết bảo hộ đầu tư từ các hiệp định này. Nói cách khác, những chính sách, quy định pháp luật của quốc gia phải phù hợp với thực tiễn, giúp đa hóa các nhân tố hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cuốn sách giúp độc giả tóm lược về lịch sử phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) và tập trung vào một số nguyên tắc chính cũng như các vấn đề còn trở ngại trong bối cảnh của hệ sinh thái đầu tư ở Việt Nam. Có một điều cần thừa nhận rằng vì cơ cấu quản trị quốc gia và tư pháp có tính chuyên biệt, cơ chế pháp lý của Việt Nam không phải lúc nào cũng dễ định hướng, ngay cả đối với các Luật sư bản địa. Với mục tiêu này, cuốn sách không chỉ giúp giải thích rõ các quy định pháp luật liên quan, các nguyên tắc cơ bản trong việc “nội địa hóa" luật lệ quốc tế thành cơ chế pháp lý của quốc gia, mà còn hướng độc giả thông qua tiếp cận các công cụ pháp lý phức tạp áp dụng trong giải quyết tranh chấp đầu tư phát sinh.

Với nền tảng tiếp cận như trên, tác phẩm định dạng một số thách thức thiết yếu mà các nhà đầu tư cũng như Chính phủ Việt Nam phải đối mặt, bao gồm việc công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài quốc tế cũng như nhu cầu cải cách thể chế tư pháp của Việt Nam dựa trên chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất. Theo đó, cuốn sách cũng chỉ ra những triển vọng và thách thức chính liên quan đến việc cải cách cơ chế luật pháp cũng như công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam.

Một đóng góp quý giá khác của tác phẩm này là tác giả có những phân tích so sánh tuyệt vời giữa các cơ chế ISDS trong khu vực ASEAN như ở Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Phân tích này xác định “các bài học kinh nghiệm” cùng với thực tiễn tốt nhất và đề xuất phương án tiềm năng cho các cải cách chính sách, luật pháp đầu tư mà Việt Nam theo đuổi. Thực hiện được mục tiêu này, cuốn sách đã nêu bật một số lĩnh vực mà Việt Nam cần thực hiện trong công cuộc hội nhập, hài hòa hóa khu vực.

Về thực tiễn áp dụng luật trong bối cảnh Việt Nam, ấn phẩm cũng giúp giải thích chi tiết Công ước ICSID về giải quyết tranh cháy đầu tư giữa các quốc gia thành viên và công dân của các quốc gia thành viên khác (Công ước Washington 1965), đánh giá cơ hội ưu thế cũng như thách thức một khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này.

Trong phần cuối của công trình nghiên cứu này, hàng loạt cải cách có tính khả thi được tác giả đề xuất. Cơ sở lý luận cho những đề xuất này không chỉ giới hạn ở việc giúp tối ưu hóa thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam mà còn bao gồm kỳ vọng hỗ trợ cải cách tư pháp, cải thiện dịch vụ pháp lý (đặc biệt liên quan lĩnh vực trọng tài thương mại, đầu tư) trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn trong khu vực so với các quốc gia thành công khác trong khu vực.

Mỗi chương của tác phẩm đều được trình bày tốt, cung cấp tiêu chí và mục tiêu tương ứng rõ ngay từ đầu. Tác giả có những nghiên cứu công phu, phân tích cung cấp nhiều thông tin chuyên sâu, chỉ tiết, tạo được nền móng phục vụ hoạt động nghiên cứu trong tương lại liên quan các nền tài phán khác nhau. Đây là tác phẩm nên có đối với các học giả, sinh viên luật cũng như các ngành khoa học xã hội khác. Ấn phẩm cũng là một nguồn tư liệu tham khảo tuyệt vời cho các chuyên gia pháp lý, nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và ngành tư pháp.

Tiến sĩ Châu Huy Quang - Luật sư đồng sáng lập, và hiện điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, thuộc Liên minh Luật Rajah & Tann Asia. Ông Quang tốt nghiệp cử nhân và cao học Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Cử nhân Khoa học - Quốc tế học (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ) và Thạc sĩ - Chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế (Vương quốc Anh).

Tháng 4/2019, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật ở Hoa Kỳ (GGU, San Francisco, CA), chuyên sâu về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Ông cũng từng tu nghiệp tại Trung tâm Quốc tế về Giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank), có trụ sở ở Washington DC.

Tiến sĩ Châu Huy Quang cũng như các đồng nghiệp từ hãng luật R&T LCT, chuyên sâu mảng tư vấn đầu tư nước ngoài, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đặc biệt, chuyên sâu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Ông Quang là một trong những luật sư tranh tụng thương mại của Việt Nam được nhiều định chế, tạp chí, viện luật quốc tế uy tín bầu chọn như: Chambers & Partners (London), Legal 500 (London), Asia Legal Business/Thomson Reuters (Singapore), IFLR 1000 (London), the Benchmark Litigation Asia – Pacific... với xếp hạng Luật sư hàng đầu liên tục trong nhiều năm. Trong 23 năm hình nghề, Tiến sĩ. Châu Huy Quang đã nhận hơn 40 giải thưởng quốc tế, vinh danh Luật sư cũng như trọng tài thương mại xuất sắc. Đặc biệt, vào tháng 5/2018, Tiến sĩ Châu Huy Quang là Luật sư Việt Nam đầu tiên được Asia Legal Business Asia Law Awards 2018 vinh danh “Luật sư Điều hành xuất sắc khu vực” (the Regional Managing Partner of the Year), công bố trao giải thưởng tại Singapore.

Tháng 3/2021, ông là Luật sư Việt Nam đầu tiên được ALB bình chọn vào Top “50 Siêu Luật sư giải quyết tranh chấp thương mại – Khu vực Á Châu ("Super 50 Disputes Lawyers 2021”).

Luật sư Châu Huy Quang cũng là một trọng tài viên uy tín của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), với hơn 60 vụ trọng tài ông được các bên cũng như VIAC tín nhiệm, chỉ định tham gia hội Khu VUC đồng trọng tài.

Ngoài ra, Tiến sĩ Châu Huy Quang cũng là giảng viên, diễn giả uy tín của nhiều diễn đàn luật trong nước và quốc tế, có nhiều ấn phẩm chuyên ngành luật nghiên cứu xuất bản trong và ở nước ngoài.

LINH NHI

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang – Lấy pháp quyền làm trọng

Lê Minh Hoàng