Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; Cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.
Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: 1- Quy hoạch xây dựng; 2- Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; 3- Phát triển khoa học và công nghệ; 4- Quản lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; 5- Quản lý đất đai; 6- Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; 7- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; 8- Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải; 9- Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.
Tổ chức điều phối Vùng Thủ đô
Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô gồm các thành viên sau:
Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ KH&ĐT (Ủy viên Thường trực); Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và Cơ quan ngang Bộ: Tài chính; Công Thương; GTVT; Xây dựng; Y tế, GD&ĐT; Ngoại giao; Công an, Quốc phòng; NN&PTNT; KH&CN; TN&MT; TT&TT; LĐ-TB&XH; VH-TT&DL; Nội vụ; Tư pháp; Văn phòng Chính phủ.
Chủ tịch UBND các tỉnh: Bắc Ninh; Hưng Yên; Hà Nam; Hòa Bình; Phú Thọ; Bắc Giang; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Thái Nguyên.
Đại diện là chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng; đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của Vùng Thủ đô.
Thường trực Hội đồng điều phối vùng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.
Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có chức năng tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực, nội dung phối hợp của Vùng Thủ đô quy định tại Nghị định này.
Chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư
Nghị định quy định cụ thể chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần cho các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng.
Ưu tiên huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của vùng.
Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của vùng trên địa bàn của mình.
Ưu tiên tổng hợp các công trình, dự án trọng điểm của vùng vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thuộc vùng ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng.
Miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án đối với các công trình, dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường được đầu tư toàn bộ từ nguồn vốn xã hội hóa. Việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dự án cụ thể trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương sau khi Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có ý kiến.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/12/2021.
VÕ QUẾ