/ Pháp luật - Đời sống
/ Có được dùng tài khoản định danh cá nhân khi làm thủ tục chứng thực?

Có được dùng tài khoản định danh cá nhân khi làm thủ tục chứng thực?

28/09/2022 03:41 |

(LSVN) - Tôi đi làm thủ tục chứng thực giao dịch hợp đồng tại Văn phòng công chứng, tuy nhiên, Văn phòng công chứng không chấp nhận trình diện CCCD hoặc dùng tài khoản định danh cá nhân để xác thực công dân trong việc thực hiện thủ tục chứng thực mà yêu cầu trình diện sổ hộ khẩu bản gốc. Vậy, tôi có được phép sử dụng tài khoản định danh cá nhân khi làm thủ tục chứng thực hay không? Bạn đọc L.H.K hỏi.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, theo Bộ Tư pháp, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và  xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án này.

Trong khi các cơ sở dữ liệu chưa hoàn thành việc kết nối, các thủ tục vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành.

Theo đó, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 36, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Cụ thể:

Điều 36. Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch

1. Người yêu cầu chứng thực nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

b) Bản sao Giấy CMND hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;

c) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.

Bản sao giấy tờ quy định tại điểm b và điểm c của khoản này được xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

3. Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

4. Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng tương ứng với từng loại hợp đồng, giao dịch theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với hợp đồng, giao dịch có từ 02 (hai) trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của hợp đồng, giao dịch. Trường hợp hợp đồng, giao dịch có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

5. Trường hợp phải phiên dịch thì người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang hợp đồng với tư cách là người phiên dịch.

Trong lĩnh vực công chứng, hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch thì được thực hiện theo quy định tại Điều 40, Điều 41 và các Điều có liên quan của Luật Công chứng năm 2014.

HOÀNG TRẦN

Trường hợp nào công dân bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy?

Admin