/ Luật sư trực ban
/ Có được phép bán hàng ăn, hàng tạp hóa trước cổng trường học?

Có được phép bán hàng ăn, hàng tạp hóa trước cổng trường học?

19/04/2023 09:06 |

(LSVN) - Có được phép bán hàng ăn, hàng tạp hóa trước cổng trường học không, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc kinh doanh các cửa hàng ăn, cửa hàng tạp hóa khu vực trước cổng trường rất phổ biến. Theo quy định pháp luật hiện hành, nếu các cửa hàng này có giấy phép kinh doanh và địa điểm cụ thể được Nhà nước cấp phép thì hoàn toàn có thể buôn bán bình thường và phải tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm…

Cụ thể, cửa hàng tạp hóa là cửa hàng loại nhỏ theo mô hình của cửa hàng bách hóa do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ. Cửa hàng tạp hóa chủ yếu kinh doanh, buôn bán các sản phẩm đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con người.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 79, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, kinh doanh cửa hàng tạp hóa theo hướng kinh doanh thời vụ sẽ không thuộc trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh. Ngược lại nếu không thuộc trường không phải đăng ký kinh doanh như trên thì bán hàng tạp hóa phải đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, quán ăn là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì vậy cần phải đăng ký kinh doanh và phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm căn cứ khoản 5, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

Như vậy, bán hàng ăn hay hàng tạp hóa (không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh) thì cá nhân, tổ chức này đều phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Và địa điểm kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại theo quy định tại Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Do đó, các cơ sở bán hàng ăn, hàng tạp hóa có địa điểm kinh doanh trước cổng trường theo như đăng lý kinh doanh thì không bị xử lý. Và ngược lại các cơ sở này sẽ bị xử lý trong trường hợp không tuân thủ quy định về địa điểm, điều kiện kinh doanh cũng như vi phạm quy định về đóng thuế đối với nhà nước.

Mặc dù quy định là vậy nhưng hiện nay nhiều người đang nhầm lẫn với hoạt động này với hoạt động bán hàng rong. Theo đó, buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật theo điểm a, khoản 1, Điều 3, Nghị định 39/2007/NĐ-CP.

Đối với các hoạt động buôn bán không có địa điểm cố định cũng không có giấy phép kinh doanh như bán hàng rong, buôn bán vặt, bán quà vặt,... cần chú ý đến các địa điểm kinh doanh. Căn cứ tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về phạm vi về địa điểm kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại, trong đó có quy định về địa điểm cấm hoạt động thương mại như sau:

"a) Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác;

b) Khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế;

c) Khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam;

d) Khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển;

đ) Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

e) Nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông, bao gồm cả đ¬ường bộ và đ¬ường thủy;…..".

Vậy nên, nếu cá nhân bán hàng rong ngoài khu vực cấm thì vẫn có thể hoạt động bình thường, tuy nhiên, nếu cá nhân cố tình hoạt động tại khu vực cấm (khu vực trường học) thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

Theo đó, khoản 1, Điều 12, Nghị 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức có hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, khoản 2; điểm b, khoản 5; điểm e, khoản 6, Điều này.

Trong trường hợp hoạt động bán hàng rong gây mất trật tự công cộng còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP với mức phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng.

Luật sư chia sẻ thêm, việc tập trung buôn bán hàng rong, đồ ăn vặt ngay trước cổng trường không chỉ gây mất mỹ quan trường học mà còn là nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ. Vậy nên chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngành có liên quan để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh, buôn bán hàng ăn phải chấp hành đúng quy định pháp luật; không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, chính quyền cũng cần phối hợp với nhà trường động viên, giáo dục học sinh biết cách chọn thức ăn hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện hộ nào vi phạm lấn chiếm lòng lề đường sẽ tiến hành nhắc nhở, nếu không khắc phục kiên quyết, xử lý vi phạm.

MINH TRẦN

 

Nguyễn Hoàng Lâm