Binh Thuận: UBND tỉnh giao đất cho doanh nghiệp khi chưa bồi thường thu hồi đất

01/10/2024 14:35 | 18 giờ trước

(LSVN) - Ngày 18/9/2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa xét xửa vụ kiện hành chính. Người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Thảo, bên bị kiện là Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận.

Tóm tắt vụ án: Năm 2005, Công ty Đại Thanh Quang (Công ty ĐTQ) được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép đầu tư xây dựng khu du lịch cao cấp tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dự án có tên là Khu du lịch Hố Lở, hay còn gọi là King Sea Phan Thiết. Năm 2007, UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với Công ty ĐTQ. Năm 2007, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Công ty ĐTQ trong thời hạn 50 năm. Sau đó, Công ty ĐTQ tiến hành thực hiện dự án nhưng đến nay dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống bởi tình trạng tranh chấp, thưa kiện kéo dài. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp được cho là do chưa bồi thường đất cho các cá nhân, tổ chức có liên quan nhưng chính quyền tỉnh Bình Thuận thời điểm ấy đã cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành 2 quyết định thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp chưa qua công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên xảy ra khiếu kiện kéo dài. Vụ án này là một trong những hộ dân điển hình bị thu hồi đất, khởi kiện 2 quyết định thu hồi đất và giao đất của UBND tỉnh Bình Thuận.    

Bản gốc giấy ông Cam chuyển nhượng đất cho bà Huệ.

Vụ án phải tạm hoãn 5 lần do nhiều lý do khác nhau. Ngày 18/9/2024, phiên tòa được TAND tỉnh Bình Thuận mở lại... Phần tranh luận về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp hơn 2,2ha không xảy ra gay gắt bởi bên bị kiện là UBND tỉnh Bình Thuận và UBND TP. Phan Thiết đều vắng mặt. Tuy nhiên, đây lại là phần mà đại diện Công ty ĐTQ - người có quyền và nghĩa vụ liên quan rất quan tâm. Những luận điểm, chứng cứ, nhân chứng mà đại diện Công ty ĐTQ đưa ra trước tòa để chứng minh nguồn gốc đất tranh chấp là đất công do Nhà nước quản lý được đánh giá là không thuyết phục bởi Công ty ĐTQ không phải người bị kiện mà người bị kiện là UBND tỉnh Bình Thuận.

Sau phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Thuận đưa ra kiến nghị yêu cầu tạm hoãn phiên tòa để xác minh những cây trồng trên đất tranh chấp do ai trồng, trồng từ lúc nào. Kiến nghị này không được chủ tọa phiên tòa chấp nhận. Sau đó, chủ tọa phiên tòa nhận định như sau: Đơn đề nghị lập sổ đỏ đề ngày 31/12/2002 của ông Tăng Trọng Nguyên, đại diện Ban quản lý bảo vệ rừng trồng rừng (BQLBVRTR) Phan Thiết, đề nghị cấp sổ đỏ cho bà Huệ nhưng bị tòa cho rằng đây là ý kiến cá nhân, và Bút lục này không được tòa xem xét.

Tại tòa, ông Phạm Văn Vinh (con trai bà Huệ) tranh luận trước tòa rằng: “Đất là do ông Cam khai phá, ông Cam bán cho bà Huệ. Việc này có đủ nhân chứng là ông Tăng Trọng Nguyên và vật chứng là họa đồ thực tế khu đất được UBND xã Tiến Thành xác nhận vào ngày 11/11/1988. Nếu tòa không công nhận là đất của ông Thảo, tòa công nhận đất của bà Huệ, thì Tòa trả lại đất cho bà Huệ. Nguồn gốc đất do người dân khai phá, có nhân chứng, vật chứng của chính quyền sở tại thời điểm ấy. Nay bỗng dưng lại nói đất của nhà nước, vậy tài liệu, chứng cứ nào nói khu đất bà Huệ mua của ông Cam là đất của Nhà nước?”. 

Họa đồ khu đất dược UBND xã chứng nhận nhưng không được Tòa công nhận.

Tòa nhận định, trích Bản án 172/2024/HC-ST ngày 18/9/2024 của TAND tỉnh Bình Thuận: “Vào thời điểm năm 2003, thì BQLBVRTR Phan Thiết có trồng cây phi lao trên đất, phù hợp với chứng cứ thể hiện việc sang nhượng đất của ông Vinh cho Lâm trường Phan Thiết (LTPT) vào năm 1990. Tại Biên bản kiểm tra ngày 30/9/2009 do Chi cục phát triển lâm nghiệp thực hiện có sự tham gia của Hạt kiểm lâm Phan Thiết, UBND xã Tiến Thành, đại diện Công ty ĐTQ kiểm tra cây keo lá tràm, phi lao, bạch đàn xin bồi thường và số cây phi lao xin chặt để làm đường nội bộ của Công ty ĐTQ...”. Nhận định này của tòa bị đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận phản bác bằng kiến nghị: “Yêu cầu tạm hoãn phiên tòa để xác minh, kiểm tra số cây đang tồn tại trên khu đất tranh chấp đã được trồng bao lâu? Do ai trồng? Trồng từ khi nào?”. Kiến nghị của VKSBD dựa vào quan điểm của tòa, khi tòa cho rằng, số cây đang tồn tại trên khu đất đang tranh chấp là do LTPT trồng từ năm 1990. Tuy nhiên, kiến nghị này của VKSND không được tòa xem xét.

Tòa nhận định: “Năm 1990, ông Vinh chuyển giao đất cho LTPT, sau đó, LTPT chuyển giao lại cho ông Nguyễn Văn Tý...”. Trong hồ sơ vụ án, ông Tý đã nộp cho tòa biên bản tự khai, rằng: “Từ trước đến nay, LTPT chỉ bán cho ông 5 sào (5.000m2). Ông bán cho bà Trâm 2 sào (2000m2), còn 3 sào (3000m2), ông bán cho Công ty ĐTQ”. Với Bút lục này, thì tòa đã xác minh được LTPT bán cho ông Tý diện tích đất bao nhiêu m2, 5.000m2 hay hơn 22.000m2 đang tranh chấp? Diện tích này đất nằm ở đâu? Diện tích đất LTPT bán cho ông Tý có phải là diện tích đất đang tranh chấp mà tòa đang xử hay không? Tòa chưa xác định được diện tích đất LTPT bán cho ông Tý có phải đất đang tranh chấp trong vụ án hay là đất ở đâu mà đưa ra nhận định “LTPT chuyển giao lại cho ông Tý” như vậy? Nhận định có mang tính chủ quan hay không?

Bản gốc UBND xã Tiến Thành xác nhận ông Cam bán đất cho bà Huệ.

Từ nhận định trên, tòa đưa ra một nhận định hệ quả tiếp theo: “Như vậy, có căn cứ xác định trong khoảng thời gian này, bà Huệ đã biết việc ông Vinh chuyển nhượng đất cho LTPT và thực tế gia đình bà Huệ không trực tiếp quản lý sử dụng đất và tài sản trên đất từ 1990 cho đến nay”. Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa không đưa được “căn cứ” nào như là nhân chứng, vật chứng để chứng minh cho hai nhận định nêu trên của mình? Nhất là việc bà Huệ không quản lý, sử dụng đất, tài sản trên đất từ năm 1990 cho đến nay?   

Trong vụ án này, có một Bút lục quan trọng là bản chính họa đồ sơ đồ đất do ông Nguyễn Văn Cam khai phá và được UBND xã vẽ họa đồ, xác nhận vào ngày 11/11/1988. Trong mục 4.5 phần nhận định của tòa án liên đến bản họa đồ này, tòa nhận định như sau: “... kèm theo bảng kê giao tài sản cho LTPT do ông Phạm Văn Vinh lập cùng với Bản gốc “Sơ họa đồ khu đất khai phá của gia đình ông Nguyễn Văn Cam đã chuyển nhượng lại cho ông Phạm Văn Vinh cán bộ thủy lợi tỉnh Thuận Hải” có xác nhận của UBND xã Tiến Thành ngày 11/11/1988...”. So sánh nhận định của tòa án với bản gốc sơ họa đồ này thì có một sự khuất tất nội dung cơ bản giữa nhận định và Bút lục. Trong Bút lục bản gốc này, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành, ông Phạm Văn Trung xác nhận vào ngày 11/11/1988 như sau: “Ông Nguyễn Văn Cam vì điều kiện sinh sống tại địa phương gặp nhiều khó khăn, UBND xã Tiến Thành đồng ý cho ông Cam sang nhượng lại đất và tài sản (nhà vách lá lợp tôn ciment, lu bể) cho bà Nguyễn Thị Huệ  để về Buôn Mê Thuột sống với con cháu. Tài sản này thuộc quyền sở hữu của bên mua”.

Vậy theo Bút lục bản gốc này, thì ông Cam ông không hề chuyển nhượng đất cho ông Vinh hoặc cho bên mua nào đó ngoài bà Huệ. Ông Cam chuyển nhượng tài sản gồm đất và căn nhà lá lợp tôn ciment, lu bể cho bên mua. Mà bên mua là bà Huệ chứ không một cá nhân, tập thể nào khác. Không biết tòa án dựa vào đâu để xác lập hành vi ông Cam bán đất cho ông Vinh vào năm 1988? 

Phải chăng tòa án xác lập hành vi ông Cam bán đất cho ông Vinh dựa vào Bút lục 479. Bút lục 479 là một văn bản do Công ty ĐTQ cung cấp cho tòa, mà theo người khởi kiện và nhân chứng là ông Vinh, con bà Huệ cho rằng văn bản này có dấu hiệu tẩy xóa, nội dung Bút lục 479 như sau: “Sơ họa đất khai phá của gia đình ông Nguyễn Văn Cam đã chuyển nhượng lại cho ông Phạm Văn Vinh, cán bộ thủy lợi tỉnh Thuận Hải. Chủ tịch xã Tiến Thành, ông Phạm Văn Trung đã xác nhận vào ngày 11/11/1988”. Từ Bút lục này, tòa nhận định, ông Vinh bán đất cho LTPT, LTPT bán lại cho ông Tý, ông Tý bán cho Công ty ĐTQ?

Họa đồ do Công ty ĐTQ cung cấp cho Bình Thuận và được Tòa công nhận làm chứng cứ chính của vụ án.

Vậy, trong hồ sơ vụ án có hai Bút lục quan trọng là cả hai Bút lục đều xác nhận diện tích đất đang tranh chấp là do ông Cam khai phá. Nhưng cùng ngày 11/11/1988, ông Phạm Văn Trung, Chủ tịch xã Tiến Thành ký xác nhận ông Cam bán cho hai cá nhân khác nhau: bà Nguyễn Thị Huệ và ông Phạm Văn Vinh. Bà Huệ là mẹ ông Vinh, bà Huệ nay đã mất, trong phiên tòa, nhiều lần ông Vinh khẳng định: “Tôi sống với mẹ ông từ nhỏ, tôi chứng kiến mẹ ông mua đất của ông Cam, chứ ông Cam không bao giờ bán đất cho tôi. Tôi cũng không bao giờ bán đất cho ông LTPT”. Theo Bút lục trong hồ sơ vụ án thì LTPT chỉ bán cho ông Tý 5 sào, ông Tý bán lại cho bà Trâm và Công ty ĐTQ như đã có văn bản gởi tòa. Phải chăng đây mấu chốt của vụ án mà tòa chưa làm rõ để xác định ông Cam bán đất cho ai? Bán cho bà Nguyễn Thị Huệ hay bán cho ông Phạm Văn Vinh? 

Từ những nhận định nêu trên, tòa tuyên bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện đã làm đơn kháng án bản án của TAND tỉnh Bình Thuận.

Tạp chí Luật sư sẽ thông tin tiếp vụ án.

Quan điểm của Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Văn Thảo cho rằng: “Tại Quyết định hành chính nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận trong đó có diện tích 22.060,7m2 đất đang tranh chấp trong vụ án này và xác định đây là đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch 03 loại rừng do Ban Quản lý Bảo vệ và Trồng rừng Phan Thiết quản lý.

Về nguồn gốc diện tích đất nêu trên, chúng tôi có đủ căn cứ để chứng minh ông Nguyễn Văn Thảo quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp kể từ ngày 12/6/2004, được cơ quan quản lý đất đai tại địa phương xác nhận hiện trạng sử dụng là đất vườn và có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013; không phải là đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch 03 loại rừng như nội dung xác định của UBND tỉnh Bình Thuận và cũng không phải là đất công do ông Thảo lấn chiếm, dựa trên các tài liệu, chứng cứ: Giấy sang nhượng tài sản giữa ông Nguyễn Văn Cam và bà Nguyễn Thị Huệ [Bút lục số 45], có Sơ họa khu đất khai phá của gia đình ông Nguyễn Văn Cam [Bút lục số 44] và có xác nhận của UBND xã Tiến Thành; Giấy tờ mua bán viết tay giữa bà Nguyễn Thị Huệ và ông Nguyễn Văn Thảo ngày 12/4/2004 [Bút lục số 46]; Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm số 705/TB-VPCQCSĐT ngày 15/11/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận [Bút lục số 49,50]; Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai ngày 07/6/2022 tại UBND xã Tiến Thành [Bút lục số 156]. Đặc biệt, tại các phiên tòa, ông Phạm Văn Vinh (con trai, người thừa kế hợp pháp của bà Huệ và đại diện ủy quyền của những người thừa kế khác của bà Huệ) khẳng định bà Nguyễn Thị Huệ chỉ chuyển nhượng thửa đất nêu trên cho ông Nguyễn Văn Thảo, ngoài ra không chuyển nhượng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác.”

HUY HOÀNG

Từ khoá : lsvn.vn LSVN