Ảnh minh họa.
Chiều 13/02, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thành lập 15 thành phố, thị xã, thị trấn tại 10 tỉnh. Một trong những vấn đề được đặt ra là khi thành lập những thành thị mới, người dân có phải làm lại căn cước công dân.
Cụ thể, tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề về thực hiện quy định của Luật Cư trú trong cập nhật điều chỉnh thông tin liên quan đến địa chỉ, nơi cư trú của người dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính, tên của đơn vị hành chính. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi liệu có phải thay đổi căn cước công dân gắn chip không, cách làm thế nào?
Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc thành lập các đơn vị hành chính nêu trên là cần thiết, bảo đảm các quy định, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc này cũng nhằm tạo thêm nguồn lực thuận lợi để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước về hành chính, cư trú.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, khi thành lập các đơn vị hành chính cũng phát sinh một số yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng Công an cơ sở đang thực hiện theo tinh thần đúng, đủ, sạch, sống.
Dữ liệu được thu thập, dữ liệu được làm sạch và được cập nhật thường xuyên. Do đó, khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dữ liệu này sẽ được lực lượng công an cơ sở cập nhật, bổ sung.
"Nếu như chưa kịp thay đổi căn căn cước công dân thì trong cơ sở dữ liệu đã thể hiện địa giới hành chính - nội dung này được cập nhật thường xuyên. Căn cước công dân của chúng ta gắn chip nên sẽ không ảnh hưởng, được đồng bộ ngay lập tức", Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Nói rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các Đại biểu Quốc hội khi đi tiếp xúc cử tri, nếu người dân hỏi thì giải thích rõ, theo đó, trên căn cước công dân đã gắn chip, mặc dù chữ in là xã nhưng trên con chip đã chuyển thành phường. Do đó, người dân có mang căn cước đi đâu thì cũng là phường. Nếu trường hợp người dân thích đổi thành phường trên căn cước thì làm thủ tục, không bắt buộc đổi lại hết.
PHƯƠNG HOA
Chuẩn bị ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước