/ Tin tức
/ Có phương án chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Có phương án chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) -  Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 2214/BYT-DP về xin ý kiến góp ý dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023. Theo đó, Bộ này yêu cầu nghiên cứu, đánh giá nhằm chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

  Ảnh minh họa.

Tại Công văn này, Bộ Y tế đề xuất một số phương án trong công tác giám sát, ứng phó với dịch Covid-19. Cụ thể, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước. Tiếp tục giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cửa khẩu và cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn giám sát phù hợp, kịp thời với diễn biến tình hình dịch bệnh, bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại (VOC) và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp; triển khai giám sát giải trình tự gen tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của virus); mở rộng giám sát SARS-CoV-2 trên động vật (bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã). Lựa chọn các mẫu bệnh phẩm nhiễm SARS-CoV-2 đại diện và ở các nhóm có nguy cơ cao để xét nghiệm giải trình tự gen để phát hiện sự tiến hóa của virus. Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen để phát hiện biến chủng đang lưu hành và biến chủng mới tại các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể…), người nhập cảnh có yếu tố dịch tễ liên quan.

Đồng thời, từng bước nới lỏng các biện pháp quản lý y tế đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng để có thể tham gia một số hoạt động xã hội và vẫn bảo đảm phòng chống dịch.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người dân. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, nhập khẩu và phân bổ vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới. Triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người (bao gồm cả người bệnh đến khám tại cơ sở y tế) để tránh bỏ sót. Khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 02 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm.

Tổ chức triển khai tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine. Nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.

PV

Đối tượng nào được tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 tại TP. HCM?

Nguyễn Mỹ Linh