Ảnh minh họa.
Theo đó, Công văn 3221/TCT-VP nêu rõ, trong thời gian vừa qua, một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập doanh nghiệp (DN) không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống; một số DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, đã tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), chiếm đoạt tiền thuế GTGT, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước (NSNN). Qua đó, đã ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
Trước tình hình đó, đối với công tác quản lý hóa đơn, bên cạnh việc cung cấp các chức năng khai thác trên hệ thống HĐĐT, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai các ứng dụng hỗ trợ trong việc xác minh, đối chiếu, khai thác dữ liệu HĐĐT phục vụ công tác quản lý thuế thông qua áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các DN, từ đó phát hiện nhanh, chính xác các dấu hiệu gian lận trong sử dụng HĐĐT. Đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý hóa đơn so với công tác quản lý hóa đơn giấy truyền thống trước đây thường phải mất rất nhiều thời gian thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra mới phát hiện được những vi phạm trong sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Theo các quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội; Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đã có những quy định về xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Bộ luật Hình sự đã có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội trốn thuế do sử dụng hóa đơn không hợp pháp; tội phạm mua bán trái phép hóa đơn.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thuế, cơ quan thuế đã nhận diện những hành vi điển hình vi phạm pháp luật của một số DN, tổ chức, cá nhân có động cơ, mục đích cố tình sử dụng HĐĐT bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của NSNN như: Xuất khống, mua bán hóa đơn (trong đó có trường hợp là hóa đơn giả) để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, giảm chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu; hóa đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hóa đơn điều chỉnh;...
Điển hình là một số vụ án đã và đang được cơ quan Công an điều tra, khởi tố như tại: Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình,... hành vi thủ đoạn của các DN hết sức tinh vi, phạm vi thực hiện trên cả nước, thời gian diễn ra từ khi thành lập đến khi bỏ địa điểm kinh doanh hoặc bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian ngắn.
Trước tình hình trên, để thể hiện quan điểm nhất quán trong đấu tranh xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng HĐĐT bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, ngày 20/7/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 5465/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về thông tin báo nêu về việc rà soát, xử lý hóa đơn. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN.
Bộ Tài chính theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, công khai, minh bạch cho các cơ quan báo chí, hạn chế thấp nhất tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với quan điểm nhất quán của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế kiên quyết trong công tác phòng chống gian lận và sử dụng HĐĐT giả mạo trái pháp luật và gian lận trong hoàn thuế GTGT, tại Hội nghị triển khai công tác tài chính 06 tháng cuối năm 2023 được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bày tỏ mong muốn và đề nghị các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và cùng vào cuộc với Bộ Tài chính để kiên quyết xử lý hành vi gian lận trong sử dụng HĐĐT bất hợp pháp và hoàn thuế GTGT nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trong những năm qua, cơ quan báo chí truyền thông đã tích cực thông tin trên 3.500 bài viết đấu tranh, lên án hành vi buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, từ đó góp phần quan trọng để ngành Thuế áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn, qua đó lan tỏa tới cộng đồng DN, người dân trong việc chấp hành pháp luật thuế và cảnh tỉnh, răn đe, kịp thời ngăn chặn, xử lý những đối tượng xấu có hành vi gian lận, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.
Đối với ngành Thuế, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tổ chức khai thác tối đa cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) trong công tác quản lý thuế và quản lý HĐĐT nhằm phòng, chống và kiên quyết xử lý những hành vi cố tình vi phạm sử dụng HĐĐT bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền thuế của NSNN, Tổng cục Thuế mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, phát hiện, phản ảnh, lên án những DN, tổ chức, cá nhân vi phạm về sử dụng HĐĐT bất hợp pháp, từ đó góp phần quan trọng cùng ngành Thuế thực hiện quản lý thuế công khai, minh bạch, bình đẳng giúp cộng đồng DN và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai minh bạch cho các cơ quan báo chí đảm bảo phản ánh trung thực, chính xác, hạn chế thấp nhất tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN.
MINH QUÝ
Sẽ quy định cụ thể những điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường