Ảnh minh hoạ.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Dự án Luật Đường bộ trên cơ sở tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, dự án này được đổi tên thành Luật Đường bộ thay cho Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định mới về việc hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô nhằm giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ đối tượng yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông trong thời gian qua. Trong đó, dự thảo Luật tập trung vào quy định về phương tiện và người lái xe với những đặc thù.
Cụ thể, xe đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Theo quy định của Chính phủ, lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu, quy định điều kiện và trách nhiệm của các chủ thể phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, nhưng không làm phát sinh các chi phí bất hợp lý, tạo gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh học sinh.
Giải trình thêm về quy định này, Chính phủ cho biết cơ quan soạn thảo luật là Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát để quy định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, nhưng không làm phát sinh các chi phí bất hợp lý, tạo gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh học sinh.
PV