Các đối tượng lấy lý do thu mua được lô xe nhập khẩu giá tốt hoặc có mối quan hệ thân quen với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như cơ quan thuế, hải quan, công an…) nên mua được xe giá rẻ, hợp thức hóa được giấy tờ và làm thủ tục đăng ký xe hoàn toàn hợp pháp.
Để tạo niềm tin cho người mua, những đối tượng lừa đảo còn đăng kèm theo hình ảnh tình trạng xe, giấy tờ hóa đơn, hình ảnh việc mua bán, giao xe ô tô cho khách hàng, tặng quà tri ân cho khách mua xe…
Khi người mua liên lạc, các đối tượng sẽ báo giá thấp hơn rất nhiều so với loại xe cùng loại đang bán trên thị trường để đánh vào tâm lý ham rẻ. Sau khi thỏa thuận xong giá cả mua bán, các đối tượng sẽ cung cấp số tài khoản ngân hàng yêu cầu người mua chuyển một khoản tiền đặt cọc để “giữ xe”.
Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu người mua chuyển thêm các khoản tiền với nhiều lý do khác nhau như phí dịch vụ, phí vận chuyển giao xe tận nhà, phí làm thủ tục pháp lý… Đến khi bị phát hiện lừa đảo, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt số tiền đã chuyển của người mua xe.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo, người mua cần tìm hiểu giá trung bình của mẫu xe mà mình muốn mua trên các trang uy tín hoặc thông qua người có kinh nghiệm. Nếu giá rao bán rẻ hơn nhiều so với thị trường, đây có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
Ngoài ra, nhất định không đặt cọc nếu chưa gặp mặt trực tiếp người bán để xem tình trạng xe. Nếu người bán từ chối gặp hoặc đưa ra lý do không hợp lý thì nên thận trọng.
Thông thường, kẻ lừa đảo thường viện lý do “bán gấp” hoặc “có nhiều người đang hỏi mua” để thúc giục người mua đặt cọc ngay. Đây cũng là cách "thao túng tâm lý" để người mua nhanh chóng cọc tiền. Thủ đoạn lừa đặt cọc khi mua xe ô tô, xe máy cũ ngày càng tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Để bảo vệ bản thân, người mua cần nâng cao ý thức cảnh giác, trang bị đầy đủ kiến thức về giao dịch mua bán xe cũ.