Ảnh minh hoạ.
Theo Công an TP. Hà Nội, trong quá trình thắp hương phải trông coi ban thờ, bố trí nơi thắp hương thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên ban thờ, tránh trường hợp hương cháy rơi vào các vật dụng dẫn đến cháy; không thắp hương vòng qua đêm.
Hạn chế để nhiều vật liệu dễ cháy và sử dụng nến trong thờ cúng, không nên đi ra khỏi nhà khi hương trên ban thờ chưa tắt.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo, đốt vàng mã phải có người trông coi, đúng nơi quy định, tránh xa những nơi có vật dễ cháy. Không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn.
Không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy... luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan.
Đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro.
Với các cơ sở tín ngưỡng phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy… Cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.
Hạn chế thắp hương thờ cúng và hóa vàng. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.
Mỗi hộ gia đình tự trang bị phương tiện PCCC như: bình chữa cháy, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc. Trang bị kiến thức về PCCC, cách sử dụng phương tiện chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn PCCC trong phạm vi quản lý, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện và dụng cụ, phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP. Hà Nội theo số điện thoại 114 hoặc ứng dụng “Báo cháy 114”.
VINH PHÚ