Theo ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế cho biết: Sự xuất hiện, hoạt động của loại hình “xe dù, xe ké” ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải chân chính. Trong khi “xe dù, xe ké” hoạt động kinh doanh “chui”, không đóng thuế cho Nhà nước thì nhiều doanh nghiệp, nhà xe truyền thống phải nộp nhiều khoản phí như chi phí tài xế, bến bãi, thuế.
Đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Bến xe Huế đã khai trương tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng với mong muốn nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho người dân. Tuy nhiên qua 1 năm, hoạt động kinh doanh của tuyến xe buýt không khả quan; nếu trước đây, bình quân mỗi xe buýt xuất bến có trên 15 khách thì nay do loại hình “xe dù, xe ké” ngày càng nhiều nên các xe buýt mỗi chuyến chỉ lèo tèo 1, 2 hành khách. Thậm chí, xe buýt chỉ nhận 1 hành khách ở bến và đón thêm vài ba hành khách dọc tuyến nên các tài xế phải bỏ tiền túi để bù lỗ, chi phí bến bãi, nhiên liệu…
Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế xử lý nghiêm các trường hợp, xe dù, xe ké.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 80 đơn vị vận tải với hơn 1000 xe khách, và hơn 500 đầu xe taxi của 8 hãng taxi đang hoạt động, đăng ký hoạt động vận tải hành khách với nhiều hình thức như: xe chạy theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt và kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Đa số các phương tiện vận tải hành khách đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng “xe dù, xe ké” đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, gây nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến.
Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Nhằm lập lại trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt là thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra giao thông sẽ thành lập các tổ công tác để kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều hình thức đột xuất, bất ngờ đối với các phương tiện cơ giới hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến giao thông. Trong đó, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra các xe dù, xe trá hình, núp bóng hoạt động tour, tuyến để vận chuyển khách, để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”.
Điển hình, ngày 9/1 vừa qua, tại Km 859 + 100 QL1, thuộc địa phận xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Tổ công tác của Trạm CSGT Phú Lộc thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý xe ô tô BKS 75A-16.xxx do tài xế Lê Văn T. (trú tại thị xã Hương Thủy điều khiển) về hành vi “Điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng gom khách”.
Trước đó ngày 04/01, tại Km855 QL1 thuộc địa phận xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, lực lượng CSGT Công an tỉnh phát hiện, lập biên bản xử lý xe ô tô BKS 75A-15.xxx do tài xế Nguyễn Văn K. (trú tại thị xã Hương Thủy điều khiển), về hành vi “Điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng gom khách, không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Cả hai phương tiện nói trên đều hoạt động theo kiểu xe dù, xe trá hình, đã vi phạm tại điểm n, khoản 5, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Lực lượng CSGT toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện 883 ô tô vi phạm quy định pháp luật về giao thông (trong đó, đã phát hiện, xử lý 24 trường hợp vi phạm liên quan xe ké…).
Cùng với lực lượng CSGT Công an tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Công an nhiều đơn vị, địa phương trong Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp để chặn đứng tình trạng “xe dù, xe trá hình” hoạt động. Trong đó, tập trung nắm tình hình, xác minh quản trị các trang web, mạng xã hội, các thông tin liên quan hoạt động vận tải trá hình, núp bóng: số điện thoại giao dịch, số xe… được trao đổi, giao dịch trên mạng; buộc các chủ xe có dấu hiệu liên quan đến hoạt động “xe dù, xe ké” phải cam đoan, cam kết không tham gia hoạt động này.
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát theo tuyến, địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm các xe trá hình, núp bóng xe hợp đồng tour, tuyến để vận chuyển khách; kiểm tra, xử lý các “xe dù”, “bến cóc”, xe dừng đỗ, đón, trả khách không đúng quy định trên tuyến QL1A, địa bàn TP. Huế, khu vực bến xe phía Bắc, phía Nam… Phối hợp với Thanh tra giao thông kiểm tra liên ngành bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vận tải hành khách bằng ô tô trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân sắp tới…
Sau 15 ngày ra quân tăng cường kiểm tra, xác minh, xử lý xe dù, xe trá hình (xe ké) vi phạm, Công an Thừa Thiên - Huế đã xác minh, phát hiện có khoảng 323 phương tiện nghi vấn hoạt động xe trá hình, xe ké (riêng tuyến Huế - Đà Nẵng có khoảng 200 phương tiện hoạt động); phát hiện có 64 group trên địa bàn tỉnh đăng tin bài liên quan đến hoạt động “xe đi ké”. Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 883 ô tô vi phạm quy định pháp luật về giao thông (trong đó, đã phát hiện, xử lý 24 trường hợp vi phạm liên quan xe ké…); bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch phối hợp liên ngành, phát hiện 15 trường hợp vi phạm (không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có hợp đồng vận chuyển…).
Tình trạng các xe dù, xe ké hoạt động rầm rộ, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách hợp pháp, gây nguy cơ tai nạn giao thông.
Cùng với lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian vừa qua với nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn nạn “xe dù, xe ké”, chỉ trong 1 tháng đầu ra quân, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế đã phát hiện, lập biên bản xử lý 39 trường hợp xe trá hình, núp bóng xe hợp đồng tour vi phạm.
Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Huế cho biết: Thời điểm cuối năm, giáp Tết, các phương tiện ô tô hoạt động trá hình, núp bóng xe hợp đồng tour, tuyến để vận chuyển hành khách có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm thường gặp khó khăn do các tài xế luôn tìm cách lách luật như trả khách đến tận nơi mới thu tiền; vận chuyển khách có thu phí nhưng khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra thì lập tức tìm ngã rẽ, thả toàn bộ hành khách xuống xe hoặc nhận là chở người nhà; nhiều lái xe khách còn thông tin móc nối với các lái “xe ôm, cò mồi” theo dõi ngược lại lực lượng CSGT, tìm hiểu vị trí, tuyến tuần tra kiểm soát để báo cho xe khách thay đổi lộ trình, tránh bị kiểm tra, xử phạt… Nhiều người dân khi được lực lượng chức năng hỏi đến thì cũng tìm cách bao che cho các lái xe, điều này đã gây khó khăn cho lực lượng Công an trong xác minh, xử lý.
HOÀNG NGHĨA
Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong thời gian Đại hội XIII của Đảng