Ảnh minh họa.
Cụ thể, không cho trẻ tắm, bơi ở sông, hồ, bơi ở nơi nước sâu, chảy xiết, nước xoáy mà không có người lớn biết bơi, cứu hộ.
Không để trẻ em chơi gần ao, hồ, sông, những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Các bậc phụ huynh tăng cường nhắc nhở, tạo điều kiện cho con em mình tập bơi ở các trường dạy bơi, có sự hướng dẫn của giáo viên, giúp các em có kỹ năng bơi tốt, chống đuối nước. Đồng thời, người lớn cũng cần trang bị kiến thức để sơ cứu ban đầu người bị đuối nước.
Khi phát hiện có người đuối nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, phải nhanh chóng tìm tất cả những đồ vật có thể cứu gián tiếp như sào, phao, áo, quần, thắt lưng. Cho người bị đuối nước bám vào các vật này để người trên bờ dần dần tiếp cận. Tuyệt đối không nhảy xuống cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu nạn.
Đặt nạn nhân ở nơi thông thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực.
Nếu lồng ngực không di động, chứng tỏ nạn nhân đã ngừng thở, phải tiến hành hà hơi thổi ngạt. Tiếp theo, kiểm tra mạch đập ở cổ và bẹn, nếu không có mạch là nạn nhân ngừng tim, ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ép tim và hà hơi thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.
Nếu nạn nhân còn thở, đặt nạn nhân nằm nghiêng để chất nôn thoát ra ngoài. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm cho nạn nhân bằng khăn khô.
Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc hoàn toàn hồi phục sau khi sơ cứu vì nguy cơ khó chịu đường hô hấp thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt thở.
Trường hợp khi phát hiện người đuối nước cần sự hỗ trợ liên hệ ngay số 114.
PV
Bộ Công an khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước