Ảnh minh họa.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ công bố 11 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ bao gồm:
- Thủ tục xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm.
- Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.
- Đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích.
- Ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn.
- Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.
- Xử lý quà tặng.
- Xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.
- Thủ tục xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
- Thủ tục tặng thưởng cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ.
- Thủ tục tặng thưởng bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với tập thể.
- Thủ tục tặng thưởng bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với cá nhân.
Trong đó, trình tự thực hiện thủ tục xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm được quy định như sau:
Bước 1: Căn cứ tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương và yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra (nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác cán bộ) xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm.
Bước 2: Trước ngày 31/01 hằng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 30 Luật Phòng chống tham nhũng phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh; Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại cơ quan, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cục, vụ, đơn vị.
PV