Luật sư Đào Ngọc Chuyền trúng cử Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ X

10/04/2021 15:07 | 3 năm trước

(LSVN) – Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều ngày 10/4, Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lần thứ X tiếp tục tiến hành kiện toàn công tác nhân sự của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ X (2020 – 2025).

Toàn cảnh đại hội.

Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều ngày 10/4 Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lần thứ X tiến hành công tác bầu cử Ban Chủ nhiệm Nhiệm kỳ X, bầu Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật, Đại biểu dự Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc và thảo luận một số nội dung quan trọng khác.

Tham dự Đại hội có Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Nguyễn Thị Mai, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội đại diện các sở, ban, ngành khác của Trung ương và TP. Hà Nội, cùng 390 Đại biểu trong tổng số 468 Đại biểu được triệu tập đến dự Đại hội.

Tại phiên làm việc buổi chiều ngày 10/4, Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trình bày tham luận về công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư.

Nội dung tham luận nêu rõ, hiện nay Nhà nước chưa ban hành luật về tổ chức hội; nhưng với tính chất hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là nghề đặc biệt, nên đã có Luật Luật sư để quy định về tổ chức, điều kiện, vai trò, nhiệm vụ của Luật sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư. Nhiều quy định của pháp luật còn vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhưng Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố... chưa thực sự tập hợp đầy đủ ý kiến của các Luật sư để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tạo cho thuận lợi cho Luật sư trong quá trình hành nghề.

Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trình bày tham luận về công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư.

Không ít những phiên tòa mà hội đồng xét xử không tuân thủ quy định của pháp luật, gạt bỏ ý kiến của Luật sư trong quá trình xét xử, thậm chí không cho Luật sư kiến nghị, đặt câu hỏi, cắt lời của Luật sư khi tranh tụng hết sức vô lý..., nhưng Luật sư cũng phải cam chịu, không từ bỏ phiên tòa; hoặc ý kiến kiến nghị đối với cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không được xem xét để xử lý... Ban Hòa giải có chức năng chính là hòa giải giữa các Luật sư khi có tranh chấp khiếu nại, nhưng lại tiến hành cả chức năng hòa giải giữa Luật sư với khách hàng và đương sự.

Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng các đại biểu.

Tiếp theo chương trình Đại hội, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trình bày tham luận về công tác bồi dưỡng Luật sư. Theo đó, sau hơn 05 năm tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, số lượng Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đều tăng hàng năm. Cùng với sự củng cố về nhân sự và tổ chức, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng của các Luật sư trong giai đoạn cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Từ năm 2015 đến năm 2019, Đoàn đã tổ chức được 73 lớp bồi dưỡng. Cụ thể, năm 2015 có16 lớp; năm 2016 có 09 lớp, năm 2017 có 15 lớp, năm 2018 có 22 lớp, năm 2019 có 11 lớp...

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội luôn hướng đến mời những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, những Luật sư hành nghề lâu năm có bề dày kinh nghiệm để tham gia thuyết trình và trao đổi với các luật sư đồng nghiệp. Đặc biệt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội còn chú trọng đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư; phổ biến, nhắc nhở các Luật sư khi hành nghề, tuân thủ pháp luật và các quy định về quy tắc đạo đức hành nghề Luật sư.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Đại hội.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội còn đã tổ chức tốt các khóa ôn thi hết tập sự cho người tập sự hành nghề luật sư tham dự kỳ thi hết tập sự theo kế hoạch tổ chức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Đại hội.

Cũng trong chiều 10/4, các Đại biểu đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IX và phương hướng công tác Nhiệm kỳ X và Báo cáo tài chính Nhiệm kỳ IX. Các Đại biểu đề xuất Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ mới nên áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của Đoàn Luật sư; phối hợp hơn nữa với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc góp ý và xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Luật sư cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự; tiếp tục kiện toàn và xây dựng Ban Bảo vệ quyền lợi cho Luật sư…

Thay mặt Ban Tổ chức, Luật sư Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ IX, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội X đã công bố Danh sách Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ X (2020 – 2025), gồm 11 thành viên sau: Luật sư Huỳnh Phương Nam, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Luật sư Lê Đăng Tùng, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Luật sư Nguyễn Xuân San, Luật sư Đào Ngọc Lý, Luật sư Phan Thanh Bình; Luật sư Nguyễn Mai Anh, Luật sư Phan Văn Đàm.

Với sự tín nhiệm của các Đại biểu tại Đại hội bằng hình thức bỏ phiếu kín, Luật sư Đào Ngọc Chuyền chính thức trở thành Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ X (2020 – 2025).

Luật sư Đào Ngọc Chuyền được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Với tư cách là người được đề cử Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đồng thời là tân Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ X, Luật sư Đào Ngọc Chuyền đã trình bày Chương trình hành động Nhiệm kỳ X với 8 nội dung:

1. Sẵn sàng, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao, làm tròn trách nhiệm của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nội quy của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội;

2. Luôn gương mẫu trong cuộc sống và công tác, có phương pháp làm việc khoa học, gắn kết đội ngũ Luật sư và đoàn kết các thành viên trong Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật và các tổ chức khác trong Đoàn Luật sư;

3. Xây dựng và đề xuất kế hoạch hoạt động của Đoàn Luật sư theo tháng, quý, năm. Sau khi Ban Chủ nhiệm thông qua sẽ đôn đốc, thực hiện có hiệu quả;

4. Rà soát các tồn tại, khó khăn của Đoàn Luật sư, Ban Chủ nhiệm trong nhiệm kỳ IX để khắc phục, đồng thời củng cố các kết quả làm được, phát huy ưu điểm để động viên các Luật sư trong đoàn cùng chung tay, góp sức xây dựng Đoàn Luật sư;

5. Xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của Đoàn Luật sư để điều hành hoạt động của Đoàn đúng quy định pháp luật, điều lệ của Liên đoàn Luật sư và các quy định nội bộ của Đoàn;

6. Phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư trong công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác bồi dưỡng Luật sư và các hoạt động khác để cùng nhau xây dựng đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư;

7. Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện tốt chế độ tự quản Luật sư có kết hợp với quản lý Nhà nước;

8. Xây dựng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền TP. Hà Nội với đội ngũ Luật sư và ngược lại.

Đại hội có sự tham gia của đông đảo đội ngũ Luật sư.

 

Các Đại biểu bỏ phiếu bầu Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật Nhiệm kỳ X, và Đại biểu dự Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc.

Đại hội cũng đã thống nhất tiến hành bầu Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật Nhiệm kỳ X, gồm 11 thành viên và Danh sách Đại biểu dự Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc, gồm 111 Đại biểu chính thức và 9 Đại biểu dự khuyết.

Hôm nay (11/4), Đại hội tiếp tục phiên làm việc.

Nhóm PV

Khai mạc Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nhiệm kỳ X (2020 - 2025)