/ Pháp luật - Đời sống
/ Quyền công dân đối với thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu

Quyền công dân đối với thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu

19/05/2024 06:51 |

(LSVN) - Công dân Việt Nam có những quyền gì về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước theo Luật Căn cước năm 2023?

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công an, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Trong đó, tại khoản 1, Điều 5 của Luật Căn cước 2023 đã nêu rõ về quyền của công dân đối với thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước.

Cụ thể, công dân được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật.

Được yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước.

Được xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của Luật này; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

Đồng thời, công dân cũng được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

Theo Bộ Công an, những quy định nêu trên cũng được áp dụng cho các đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt đang sinh sống do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch.

Những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Họ cũng không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân. Do đó, để giải quyết tình trạng này, quy định quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại Luật Căn cước là cần thiết và phù hợp.

Từ đó, cơ quan soạn thảo luật cho biết, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014.

Quy định mới này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về dân cư. 

TRẦN MINH

Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa ma túy 'đầu độc' giới trẻ

Nguyễn Hoàng Lâm