(LSVN) - Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN đã tổ chức Hội nghị lần thứ 22 Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC).Theo đó, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN đã có những bước phát triển mới, thực chất, bất chấp những khó khăn, thách thức của thời cuộc cũng như tác động của Covid-19.
Ngoại trưởng của các nước ASEAN ngày 10/11 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 22 Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSCC). Tại Hội nghị, các nước bày tỏ vui mừng trước việc Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN đã có những bước phát triển mới, thực chất, bất chấp những khó khăn, thách thức của thời cuộc cũng như tác động của Covid-19.
Các Bộ trưởng Ngoại giao cũng đánh giá cao đóng góp của các cơ quan liên quan trong Cộng đồng như Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) trong quá trình hợp tác phòng chống và đấu tranh với dịch bệnh thời gian qua. Các nước cũng cho rằng, việc hoàn thành 98% kế hoạch hành động APSC là dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng cộng đồng của ASEAN.
Tuy vậy, các Bộ trưởng cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều công việc cần thúc đẩy hoàn tất trong thời gian tới. Một mặt, các cơ quan thuộc trụ cột cộng đồng APSC cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn tất thực hiện các dòng hành động còn lại trong kế hoạch. Mặt khác, các cơ quan này cần có những bước đi cải tiến phương thức hoạt động, chủ động và linh hoạt trong triển khai công việc. Theo đó, các Ngoại trưởng nhắc lại quyết tâm của ASEAN nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khẳng định đã sẵn sàng cho việc nối lại đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN (08/8/1967-08/8/2020). Các nước khẳng định ASEAN cần phát huy mạnh mẽ các nguyên tắc nêu trong những văn kiện quan trọng này, coi đây là kim chỉ nam cho các hành động của mình và tích cực triển khai trên thực tế cam kết nêu trong các văn kiện.
Ngay sau Hội nghị APSC 22, các Bộ trưởng Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị lần thứ 28 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC). Tại Hội nghị, các nước đã trao đổi về những sáng kiến trong hợp tác ứng phó chung của ASEAN đối với đại dịch Covid-19. Các Bộ trưởng Ngoại giao đã nhất trí thông qua và trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tài liệu Điều khoản tham chiếu của Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Khung phục hồi Tổng thể ASEAN. Các Bộ trưởng cũng kiến nghị các Lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố về thiết lập khuôn khổ Hành lang đi lại ASEAN và công bố thành lập Trung tâm ASEAN đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi (ACPHEED) tại dịp Cấp cao.
Các nước cũng nhất trí ASEAN cần có những bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Kông; gắn nội dung này với phát triển chung của ASEAN nhất là với những kế hoạch hành động như tăng cường Kết nối ASEAN (MPAC), sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…
Hội nghị ACC lần thứ 28 đã nhất trí thông qua 11 Báo cáo gồm Báo cáo của Hội đồng điều phối ASEAN, Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN và các trụ cột Cộng đồng và sẽ trình lên các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ghi nhận và cho ý kiến chỉ đạo.
Cũng trong ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự Lễ ký Văn kiện mở rộng để Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Phát biểu tại Lễ ký, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng việc mở rộng Hiệp ước TAC cho thấy vị thế và vai trò quốc tế của ASEAN trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoà bình, an ninh khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng đề nghị các nước Colombia, Cuba và Nam Phi thực hiện theo đúng những mục tiêu và nguyên tắc của TAC.
MỸ LINH