/ Pháp luật - Đời sống
/ Công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp: Nhiều chuyển biến tích cực

Công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp: Nhiều chuyển biến tích cực

30/03/2021 09:12 |

(LSVN) - Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, kết quả công tác của viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp, tòa án nhân dân (TAND) các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: VGP.

Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 30/3, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TANDTC, VKSNDTC.

Cơ bản đồng tình với nội dung của các báo cáo, ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016 - 2021, VKSNDTC, TANDTC đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Kết quả công tác của VKSND các cấp, TAND các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn thi hành luật, công tác xây dựng ngành, công tác đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất được VKSNDTC, TANDTC chỉ đạo triển khai và thực hiện hiệu quả.

“Nhìn chung, trong nhiệm kỳ qua, tổ chức bộ máy của tòa, của viện không ngừng được củng cố và kiện toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao về công tác tư pháp, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyến công dân”, đại biểu Nguyễn Kim Sơn (Tiền Giang) đánh giá.

Nhấn mạnh sau mỗi bản án là sinh mệnh con người, có thể là danh dự, nhân phẩm, có thể là sinh mệnh chính trị, thậm chí là mạng sống của con người, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM), Nguyễn Kim Sơn (Tiền Giang) mong muốn các hoạt động của ngành tòa án cần sớm khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra như: Nguyên tắc suy đoán vô tội nhiều lúc chưa được áp dụng triệt để; những cuộc truy vấn đối với nhiều người bị tạm giữ, tạm giam còn rất nặng nề; có những bản án dựa trên những luận cứ sơ sài; một số đơn khiếu nại được xem xét thiếu toàn diện; tỉ lệ bản án bị hủy còn cao; còn trường hợp hưởng án treo không đúng quy định.

Các đại biểu khẳng định, hoạt động tư pháp là hoạt đóng góp trực tiếp vào mục tiêu thực hiện công bằng xã hội, chính vì thế, việc xem xét các vấn đề và toàn diện, khách quan, đặt biệt công lý không phải là đối tượng mua bán, trao đổi.

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã chỉ ra những tồn tại trong hoạt động hòa giải và nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm “hòa giải phải thực sự là hòa giải, người hòa giải thì phải thực sự trung lập..., không phải hòa giải là vẫn đe người ta”.

Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng đến các hoạt động của đời sống xã hội, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) đề nghị ngành tòa án quan tâm hơn nữa đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác tòa án, thực hiện tòa án điện tử, xét xử trực tuyến..., qua đó góp phần làm minh bạch hóa hoạt động của ngành tòa án.

Liên quan đến hoạt động của VKSND, một số đại biểu đề nghị ngành kiểm sát cần chú ý khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra trong thời gian qua, đó là vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Bên cạnh đó, số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn, trong đó có nhiều trường hợp tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, điều này phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng đất nước càng phát triển thì những đòi hỏi về công lý, dân chủ, nhân quyền ngày càng cao. Nhiệm kỳ qua, các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt những nhiệm vụ, mục tiêu Quốc hội giao, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đã xử lý được nhiều vụ án phức tạp... Đại biểu đề xuất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ của 2 cơ quan VKSNDTC và TANDTC về kiến thức xã hội; cần quan tâm hơn về phòng chống tội phạm ma tuý, lừa đảo trên mạng xã hội, tín dụng đen...

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề cập đến vấn đề khoa học-công nghệ với hoạt động tố tụng tư pháp, cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công về tư pháp…

Nhiều đại biểu đề nghị tăng cường tuyên truyền pháp luật trong nhân dân để nâng cao phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ những người làm công tác tư pháp khi bị đe doạ...

Trong sáng 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và tiến hành thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Theo chương trình, chiều 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Tiếp đó, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín; thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và tiến hành thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

HẢI LIÊN/VGP

Trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Lê Minh Hoàng