Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”, đây là bộ sách do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) phát triển và biên soạn.
Ma túy không chỉ để lại nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình người sử dụng mà đó còn là mối hiểm họa lớn đối với toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Điều đáng lo ngại hơn cả là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên dưới nhiều hình thức phức tạp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng ma túy ở giới trẻ, tuy nhiên có thể khẳng định nguyên nhân hàng đầu chính là nhận thức của các em về ma túy và tác hại của nó còn chưa đầy đủ và sâu sắc. Vậy nên, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, bổ sung những kiến thức còn thiếu cho các em cũng như những kỹ năng để các em có thể tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy học đường là điều vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, trong bối cảnh số người nghiện ma túy vẫn đang gia tăng hàng ngày, hàng giờ thì nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong những năm qua, nhiều trường học đã triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, đồng thời tích cực đổi mới về nội dung phương pháp tuyên truyền tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa thực sự tốt, còn nhiều bất cập và thiếu sự đồng bộ. Điều này dẫn đến việc nhiều em học sinh thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy, dễ sa chân và tệ nạn lúc nào không hay biết.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy trong học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp về công tác phòng, chống ma túy tại các trường học trên địa bàn thành phố. Trong đó, có việc đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp và công cụ tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Cụ thể, đối với công tác giáo dục, tuyên truyền thông qua chương trình chính khoá, các đơn vị cần thực hiện tích hợp nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy trong một số môn học chính khoá theo chương trình quy định như môn Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học, Ngữ văn...
Đối với giáo dục, tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khoá, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tiễn tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với điều kiện của đơn vị như tổ chức các chuyên đề về kỹ năng phòng chống ma túy trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh về hiểm họa, tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, để cán bộ, giáo viên, học sinh có kỹ năng tự phòng ngừa, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, kiên quyết không để ma túy có cơ hội xâm nhập vào trường học.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu nghiên cứu triển khai, sử dụng bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt làm tài liệu tham khảo trong trường học. Bộ tài liệu bao gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Liên quan đến Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”, đây là bộ sách do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) phát triển và biên soạn. Bộ tài liệu hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.
Ngoài ra, Bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học…để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là góp sức cùng cộng đồng bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy.
PV