Ảnh minh họa.
Ngày 21/01/2024, công ty tiền kỹ thuật số Terraform Labs (TFL) có trụ sở tại Singapore đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Bảo hộ Phá sản Mỹ.
TFL là công ty phát triển TerraUSD - đồng stablecoin (đồng tiền ổn định) đã sụp đổ và gây chao đảo thị trường tiền kỹ thuật số năm 2022.
Theo hồ sơ xin bảo hộ nộp lên tòa án phá sản ở bang Delaware, TFL báo cáo tài sản và nợ ước tính khoảng 100-500 triệu USD.
Công ty khẳng định sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với nhân viên và nhà cung cấp, phù hợp với những quy định trong Chương 11 của Luật Bảo hộ Phá sản Mỹ.
Trong một tuyên bố, TFL cho biết việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ cho phép công ty duy trì hoạt động kinh doanh trong khi giải quyết các thách thức pháp lý mà họ đang đối mặt, trong đó có vụ kiện liên quan đến Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch (SEC) của Mỹ.
Tháng 2/2023, SEC đệ đơn kiện công ty Terraform và nhà sáng lập Do Kwon sau sự sụp đổ của TerraUSD, với cáo buộc dàn dựng "vụ lừa đảo tiền kỹ thuật số trị giá 40 tỷ USD."
TerraUSD được thiết kế để duy trì giá trị ổn định ở mức 1 USD và token Luna, cũng có mối liên hệ chặt chẽ với TerraUSD.
Cả TerraUSD và Luna đều mất giá ước tính 40 tỷ USD trở lên khi TerraUSD không thể duy trì mức giá 1 USD vào tháng 5/2022.
Sự sụp đổ của TerraUSD cũng ảnh hưởng tiêu cực tới những đồng tiền kỹ thuật số khác, khiến giá bitcoin khi đó cũng giảm mạnh.
Gần đây, một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ đã phán quyết hoãn xét xử vụ kiện của SEC để chờ dẫn độ Do Kwon về Mỹ.
Tháng 3/2023, Do Kwon bị bắt ở Montenego do dùng hộ chiếu giả để xuất cảnh. Hiện Do Kwon vẫn bị giam giữ ở Montenego. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang tìm cách dẫn độ đối tượng này.
Luật Phá sản Chương 11 cho phép doanh nghiệp ở Mỹ tái cơ cấu các khoản nợ và vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh, theo đó doanh nghiệp có thể hoãn trả nợ trong khi thiết kế và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu.
PHAN AN/TTXVN
OpenAI mạnh tay ngăn chặn lạm dụng AI can thiệp bầu cử Mỹ 2024