Công văn “hoả táng bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong”: Cần xem lại năng lực, trình độ của người ra văn bản

29/03/2020 17:33 | 3 năm trước

(LSO) - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc Sở TN-MT TP. HCM ra văn bản đề cập đến việc “hoả táng bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong”, rõ ràng đây không phải là lỗi chính tả, không phải là lỗi soạn thảo văn bản mà là vấn đề tư duy, nhận thức.

Vừa qua, Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) TP. HCM gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố, Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành và Công ty CP đầu tư Long Cơ xây dựng báo cáo phương án hoạt động hỏa táng ứng phó với tình hình phòng chống dịch Covid-19.

Trong văn bản này có đoạn: “Căn cứ vào tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. HCM, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong".

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP. HCM thừa nhận công văn có nội dung trên và cho rà soát lại quy trình phát hành văn bản.

Sau khi văn bản này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cảm thấy hoang mang với cụm từ "tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong". Đến chiều 27/3, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở TN-MT đã ra văn bản thu hồi nội dung văn bản nêu trên.

Tại buổi họp báo chiều ngày 28/3, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT TP. HCM nhận trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hành văn bản hướng dẫn có nội dung không rõ ràng. Sở TN-MT đã rà soát lại quy trình phát hành văn bản và chủ động thu hồi, hủy văn bản có nội dung hỏa táng người bệnh nhiễm Covid-19 tử vong.

Không đơn thuần là lỗi đánh máy

Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bày tỏ: “Thực ra bản thân tôi cũng thấy hết sức bất ngờ, hoang mang khi đọc được nội dung văn bản của Sở TN-MT gửi một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng để xác định công suất hỏa táng phòng khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Rất nhiều người chia sẻ thông tin này và tìm hiểu không biết là thật hay giả, bản thân tôi cũng nghĩ rằng có thể là tài liệu giả chứ không nghĩ rằng lại có người có những tư tưởng, cách suy nghĩ đáng lên án như vậy.

Theo lời Luật sư Cường, thời gian cách đây không lâu thì trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin chưa được kiểm chứng về việc có những quốc gia đã hỏa táng cả người mắc bệnh mà chưa tử vong bởi số người mắc bệnh dịch này quá nhiều, bệnh viện quá tải, không đủ bác sĩ, không đủ thiết bị y tế để cứu chữa...

Trong khi tình trạng dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, mức độ lây lan trong cộng đồng ngày càng cao, toàn hệ thống chính trị và người dân đang phải căng mình chống dịch thì những thông tin này khiến dư luận rất hoang mang, lo lắng.

“Rõ ràng đây không phải là lỗi chính tả, không phải là lỗi soạn thảo văn bản mà là vấn đề tư duy, nhận thức”, Luật sư Cường nhận định.

Theo Luật sư Cường, cơ quan chức năng cần phải thanh tra, kiểm tra xác minh làm rõ đây là lỗi đánh máy về thể thức văn bản hay là về nhận thức tư tưởng. Nếu kết quả xác minh cho thấy đây là vấn đề nhận thức, tư tưởng thì cần phải có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của pháp luật bởi hành vi này gây hoang mang cho dư luận.

Luật sư Cường: Không đơn thuần là lỗi văn bản, đánh máy.

Không ai được tước đoạt mạng sống của người bệnh

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì pháp luật quy định bảo vệ quyền được sống của công dân, bảo vệ tính mạng con người, không ai được tự ý tước đoạt trái phép tính mạng của người khác. Người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phải thi hành thì cũng phải thi hành theo định đúng trình tự, thủ tục luật định.

Trong các quyền cơ bản của công dân thì “quyền được chết” chưa được Hiến pháp ghi nhận, quyền này cũng đã từng được một số người đưa ra thảo luận khi soạn thảo lấy ý kiến về Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị bác bỏ một cách quyết liệt và đã không được luật hoá.

Đến nay, pháp luật Việt Nam không ghi nhận “quyền được chết”, không cho phép bất kỳ ai tước bỏ trái pháp luật quyền sống của người khác. Bởi vậy, dù kịch bản xấu nhất là số người nhiễm bệnh trong tương lai vượt quá khả năng xử lý của cơ quan y tế thì cũng không ai được phép tước đoạt mạng sống của người mắc bệnh Covid-19 khi họ chưa chết. Pháp luật Việt Nam quy định cứu người bệnh đến cùng, đạo đức của ngành y cũng quy định về việc không đầu hàng của y bác sĩ đối với bệnh tật của bệnh nhân.

Nếu người nào có tư tưởng, suy nghĩ có thể tước đoạt mạng sống người bệnh khi họ chưa chết thì đó là tư tưởng, suy nghĩ rất độc ác, thiếu nhân văn, không phù hợp với đạo đức, văn hóa của người Việt Nam, càng không phù hợp với chế độ xã hội mà Việt Nam đang xây dựng ngày nay.

Luật sư Cường nhấn mạnh, vụ việc này không thể cho rằng đơn thuần là lỗi đánh máy. Mặc dù sau đó dư luận xã hội phản ứng quyết liệt thì cơ quan này đã thu hồi văn bản này. Tuy nhiên, sự việc khiến nhiều người đánh giá về năng lực, trình độ, thậm chí đạo đức của cán bộ.

Bởi vậy cơ quan chức năng cần phải xem xét làm rõ yêu tố chủ quan để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Với những cán bộ thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực trình độ, thông đủ đạo đức, phẩm chất để phục vụ nhân dân thì cần phải thay thế, loại bỏ để có được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhân sự trong cuộc chiến chống bệnh dịch nguy hiểm truyền nhiễm hiện nay của chúng ta.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều ngày 28/3, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM cho biết, những thông tin từ văn bản liên quan đến văn bản gửi các cơ sở hỏa táng trong đợt dịch Covid-19 của Sở TN-MT có nội dung không phù hợp, không cần thiết, gây hoang mang cho xã hội.
Ông Từ Lương cũng cho biết, thông tin của văn bản gửi các đơn vị hỏa táng đã tác động lớn đến tư tưởng, công tác chỉ đạo điều hành chung của Thành phố.
"Quan điểm của thành phố là công khai, minh bạch, không giấu dịch. Hàng ngày, cung cấp đầy đủ thông tin cuộc họp và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng", ông Lương nhấn mạnh.
Ông Từ Lương cho biết, UBND TP. HCM sẽ sớm xử lý nghiêm túc những cá nhân liên quan đến sai sót trên và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ngay sau đó, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và môi trường truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND TP về vấn đề liên quan đến văn bản ngày 26/3 của sở này báo cáo phương án hoạt động hỏa táng ứng phó tình hình dịch Covid-19.
“Việc Sở Tài nguyên và môi trường ban hành công văn số 2285 đã gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM, tạo ra tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân”, văn bản ghi.
Do vậy, Thường trực UBND TP.HCM phê bình nghiêm khắc Sở Tài nguyên - Môi trường và yêu cầu Sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Hoàng Yến

/giam-doc-so-tn-mt-thua-van-ban-co-doan-hoa-tang-benh-nhan-covid-19-nang.html