/ Trợ giúp pháp lý
/ CSGT có được mặc thường phục khi bắn tốc độ?

CSGT có được mặc thường phục khi bắn tốc độ?

21/09/2023 10:35 |

(LSVN) - Khi thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát trong nhiều trường hợp, Tổ Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ sắp xếp thêm một bộ phận hóa trang, tức mặc thường phục. Vậy, CSGT mặc thường phục có được phép bắn tốc độ không?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo khoản 1, Điều 11, Thông tư 32/2023/TT-BCA nêu rõ, Tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Cũng theo khoản 2, Điều trên, các trường hợp tuần tra, kiểm soát giao thông cần bố trí thêm lực lượng CSGT mặc thường phục bao gồm:

(1) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

(2) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Việc quyết định có sử dụng CSGT mặc thường phục kết hợp với lực lượng CSGT mặc  cảnh phục hay không sẽ cấp có thẩm quyền quyết định. Cụ thể:

- Trường hợp (1) và (2): Cục trưởng Cục CSGT; Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang;

- Trường hợp (1): Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng CSGT; Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.

CSGT mặc thường phục có được phép bắn tốc độ không?

Theo Luật sư, căn cứ theo Danh mục I, Nghị định 135/2021/NĐ-CP, phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh (hay còn gọi là máy bắn tốc độ) là một trong các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị cho lực lượng CSGT để phát hiện vi phạm.

Khi sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, Tổ CSGT thực hiện nhiệm vụ sẽ bố trí một bộ phận mặc thường phục để sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ này, trong đó bao gồm cả máy bắn tốc độ (theo khoản 2, Điều 11, Thông tư 32/2023/TT-BCA).

Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT mặc thường phục được phép bắn tốc độ để phát hiện  vi phạm.

Bởi căn cứ điểm b, khoản 4, Điều 11, Thông tư 32/2023/TT-BCA, bộ phận CSGT mặc thường phục có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng máy bắn tốc độ để giám sát tình hình giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác.

Một khi phát hiện ra vi phạm, CSGT mặc thường phục phải thông báo ngay cho CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng xe xử phạt.

Cảnh sát giao thông mặc thường phục có được bắt xe không?

Cũng theo khoản 4, Điều 11, Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT mặc thường phục chỉ thực hiện quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm  sau đó báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng xe xử phạt.

Riêng trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm thì CSGT mặc thường phục có thể sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động người dân phối hợp, ngăn chặn ngay vi phạm.

Sau đó, CSGT mặc thường phục phải thông báo và phối hợp với bộ phận CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở Công an nơi gần nhất để giải quyết.

Như vậy, CSGT mặc thường phục có thể tham gia bắt xe để dừng ngay hành vi vi phạm nhưng không được trực tiếp xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông.

Sau khi bắt xe, CSGT cần phải phối hợp với lực lượng CSGT mặc cảnh phục tiến hành xử phạt người vi phạm.

TRẦN QUÝ

Phân cấp quản lý đăng kiểm, tăng chế tài xử lý vi phạm

Nguyễn Hoàng Lâm