Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ khoản 11, Điều 80, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt được quy định: Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP này.
Trong khi đó, tại Điều 74, Nghị định 100/2019/NĐ-CP này, CSGT được phân thẩm quyền xử phạt hành chính đối với rất nhiều lỗi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Như vậy, CSGT được quyền sử dụng thông tin, hình ảnh từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm giao thông.
Trước đây, khoản 1, Điều 24, Thông tư 65/2020/TT-BCA đã có quy định cho phép CSGT được sử dụng hình ảnh, video về hành vi vi phạm được đăng tải trên mạng xã hội để xác minh và xử lý vi phạm. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư 65/2020/TT-BCA đã bị bãi bỏ toàn bộ và thay thế bởi Thông tư 32/2023/TT-BCA.
Thông tư 32/2023/TT-BCA năm 2023 của Bộ Công không còn quy định cụ thể về việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Thay vào đó, đơn vị CSGT sẽ tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông để xử lý tại địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng, trực ban 24/24 giờ... của đơn vị.
Trên thực tế, những hình ảnh, video vi phạm giao thông được đăng tải trên mạng xã hội rất hiếm khi bị xử lý.
Như vậy, CSGT được quyền sử dụng các thông tin, hình ảnh từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, việc CSGT xử phạt qua hình ảnh, video trên mạng xã hội ít khi xảy ra.
QUÝ NGUYỄN