Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là báo cáo sẽ bổ sung cho phần kinh tế xã hội (KTXH) của Chính phủ sẽ thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Theo Chủ tịch Quốc hội, năm nay đang thực hiện giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Tác động của dịch bệnh, lúc đầu hụt thu lớn nhưng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội KTXH, thích ứng dần với dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Tập trung triệt để tiết kiệm những khoản chi, tăng cường huy động tất cả các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. “Việc tiết kiệm 76.000 tỉ đồng thì cần chỉ rõ địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt công tác THTK, CLP, cần chỉ rõ ra chứ không nói chung chung”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Chỉ ra những hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại để làm rõ những việc làm được, việc chưa làm được. Công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay thế nào, việc triển khai công tác hành chính ra sao, cần rà soát lại để báo cáo Chính phủ mới có những điểm sáng. Cần xem lại công tác thủ tục hành chính, những hạn chế trong lĩnh vực này thì đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan.
Trong lĩnh vực đầu tư công, dù trong môi trường dịch dã nhưng giải ngân vẫn có năm làm tốt. Vậy nguyên nhân thế nào. Việc giải ngân vốn đầu tư công như dự án sân bay Long Thành; các tuyến Quốc lộ chậm ra sao, cần nói rõ chậm ở đâu. “Không thể nói một số nơi, một số bộ, ngành. Một số đó là ai? Cần nếu đích danh địa phương, cơ quan nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển KTXH; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình phục hồi và phát triển KTXH phù hợp, khả thi; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, khai thác hiệu quả các dư địa thu để tăng thu NSNN, triệt để tiết kiệm chi; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn NSNN hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm...
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP với các hình thức đa dạng nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTK, CLP; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.
Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động... Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK, CLP. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về THTK, CLP. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa DNNN. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTK, CLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính của các cấp, các ngành gắn với THTK, CLP trong các lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp tại Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP.
VĂN QUANG
Bộ Y tế hướng dẫn khám, chữa bệnh cho người dân hậu Covid-19