/ Luật sư trực ban
/ Của hồi môn có bị chia khi ly hôn hay không?

Của hồi môn có bị chia khi ly hôn hay không?

06/12/2021 16:27 |

(LSVN) - Tôi và chồng đang làm thủ tục ly hôn. Trước đó, vào lúc cưới, mẹ tôi có tặng tôi vàng và tiền mặt làm của hồi môn. Vậy, tôi muốn hỏi số tiền và vàng này được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng và có bị chia khi ly hôn không? Bạn đọc A.P (Phú Yên) có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TGS cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.

Do đó, để xác định của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng thì cần phải xem xét những yếu tố như người tặng cho có đề cập đến việc cho riêng hay tặng cho chung. Nếu người tặng cho không đề cập đến tặng cho riêng thì sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng. Cụ thể, khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Như vậy, trong trường hợp của hồi môn là tài sản chung do được tặng cho chung (khi cho bố mẹ có nói là tặng cho hai vợ chồng) hoặc trong quá trình chung sống, hai vợ chồng bạn có thỏa thuận số của hồi môn này là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung thì đó được coi là tài sản chung của vợ chồng.

Như vậy, nếu các bên không thỏa thuận được về việc xác định đó là tài sản chung hay tài sản riêng thì khi ly hôn Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết”.

Ngoài ra, trong trường hợp không thống nhất về phân chia tài sản chung của vợ chồng thì nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên khi giải quyết tài sản trong đó có việc phân chia tài sản chung vợ chồng.

NGỌC PHƯƠNG

Hà Nội: F0 được điều trị tại nhà khi nào?

Lê Minh Hoàng