Ngày 11/01/2022, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 & Đội cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Công an huyện Phú Bình phối hợp kiểm tra vận chuyển hàng cấm (súng hơi).
Trong 06 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp gây tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống của nhân dân; cùng với đó, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng đầu vào khiến cho giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao. Cụ thể giá mặt hàng xăng, dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng dẫn đến giá các loại hàng hóa trên thị trường nhìn chung có tăng nhẹ, nhưng về cơ bản thị trường vẫn được giữ vững, ổn định. Thị trường hàng hóa nhìn sôi động, phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước; công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường, theo dõi biến động giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, mặt hàng thiết bị vật tư y tế... đã được các lực lượng chức năng tại địa phương nói chung và lực lượng QLTT Thái Nguyên nói riêng kiểm tra, giám sát chặt chẽ và không phát hiện có hiện tượng đầu cơ găm hàng, lợi dụng tăng giá bán bất hợp lý.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022 trình Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phê duyệt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh nhóm ngành, hàng: Thương mại điện tử, rượu, thuốc lá, xăng dầu, LPG, thiết bị y tế, phân bón, thuốc BVTV, điện tử, quần áo, giày dép, thực phẩm. Xây dựng và ban hành các kế hoạch: về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; về cao điểm kiểm tra “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” và công tác hậu kiểm; chuyên đề về phân bón, thuốc BVTV và văn bản chỉ đạo về kiểm tra, kiểm soát theo từng lĩnh vực, mặt hàng. Tiếp tục triển khai thực hiện các Kế hoạch về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022; về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Làm tốt vai trò chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời điểm cuối năm 2021, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Kết quả trong 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 514 vụ/514 đối tượng. Tổng số thu nộp NSNN: 3.318.015.000 đồng, đạt 100,1% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó: Tiền phạt: 2.466.080.000 đồng, tiền bán hàng tịch thu: 851.932.000 đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm đã tiêu hủy, chờ xử lý 3.324.210.000 đồng. Bên cạnh đó, đã tổ chức 07 Hội nghị tuyên truyền trực tiếp trong các lĩnh vực thương mại điện tử; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 675 tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, Sông Công, các huyện Võ Nhai, Phú Bình, Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ. Viết 54 tin, bài về hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác của đơn vị. Vận động, ký cam kết được 1.006 tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh; trưng bày 04 gian hàng giới thiệu “Hàng thật- Hàng giả” từ ngày 16/6- 20/6 tại Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm - Thái Nguyên 2022” thu hút được khoảng hơn 1.500 lượt người đến thăm quan. Cử khoảng 40 lượt công chức tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện, thành phố chủ trì.
Một số vụ việc điển hình:
(1) Ngày 29/12/2021, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Đội QLTT Số 1 chủ trì, phối hợp với Đội QLTT Số 2 tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng do ông Đặng Ngọc Hưng, có địa chỉ tại Tổ 7, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Quá trình kiểm tra phát hiện 14.563 sản phẩm nước hoa các loại không có thông tin về nơi sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ trên nhãn và bao bì của hàng hóa, tài liệu đính kèm. Đấu tranh, khai thác ông Hưng không cung cấp được bất cứ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì chứng minh tính hợp pháp đối với hàng hóa trên. Vụ việc đã được trình UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền 80.000.000 đồng và tịch thu tang vật là 14.563 sản phẩm nước hoa các loại có trị giá 1.447.410.000 đồng.
(2) Ngày 30/12/2021, Đội QLTT Số 1 phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh điện thoại Anphone thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Huy Long (địa chỉ: số 194, đường Hoàng Văn Thụ, tổ 5, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), kết quả kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 67 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE đã qua sử dụng, có xuất xứ nước ngoài, tại thời điểm kiểm tra, đại diện hộ kinh doanh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, toàn bộ hàng hóa không được niêm yết giá theo quy định. Qua xác minh làm rõ, đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Huy Long số tiền 90.750.000 đồng về hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; tịch thu hàng hóa nhập lậu là 45 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE đã qua sử dụng nhập khẩu (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu) trị giá 343.150.000 đồng.
(3) Ngày 19/01/2022, Đội QLTT số 1 chủ trì phối hợp cùng phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Thái Nguyên kiểm tra đột xuất cửa hàng Chibi - decor do bà Đặng Hoài Thu là chủ tại địa chỉ số 112-114 đường Lương Ngọc Quyến, tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 11 sản phẩm là quả địa cầu cao cấp đế trụ đồng có in hình ảnh bản đồ thể hiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông, không thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia Việt Nam theo quy định của pháp luật. Qua đấu tranh, khai thác bà Thu khai nhận số hàng hoá trên được mua trôi nổi trên thị trường, không xuất trình được bất cứ hoá đơn, chứng từ hay giấy tờ gì liên quan tới hàng hoá. Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC: 30.000.000 đồng về hành vi lưu hành sản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về bản đồ. Tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá 14.700.000 đồng.
(4) Ngày 01/6/2022, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã đột xuất kiểm tra Cửa hàng Ruby Thái Nguyên tại địa chỉ xóm 10, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là địa điểm kinh doanh do ông Hoàng Mạnh Tài (sinh năm 1986) tại Thái Nguyên làm chủ. Tiến hành kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh do ông Hoàng Mạnh Tài làm chủ có 5.316 sản phẩm là quần áo không có nhãn hàng hóa, không có nhãn hiệu hàng hóa, không có tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vụ việc đã được Đội QLTT số 2 trình Cục trưởng Cục QLTT ban hành Quyết định xử phạt VPHC số tiền 35.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tịch thu toàn bộ hàng hóa có trị giá 85.803.000 đồng.
(5) Ngày 09/6/2022, Đội Quản lý thị thị trường số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã khám đột xuất kho chứa hàng hóa tại tổ 4, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên. Thời điểm khám, qua kiểm đếm số lượng thực tế hàng hóa vi phạm Đoàn kiểm tra ghi nhận có 2.214 sản phẩm là đồ chơi trẻ em các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn chứng từ nào liên quan đến hàng hóa. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định. Ngày 22/6/2022, Cục trưởng Cục QLTT đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC số tiền 45.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm 120.026.000 đồng.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 06 tháng cuối năm 2022, Cục QLTT Thái Nguyên đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường để xây dựng các kế hoạch, phương án, triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh. Chú trọng tăng cường kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; phối hợp kiểm tra các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
3. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường tại địa phương.
4. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật; vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
PV