LSVNO - Nhân có thời gian rỗi cuối năm, chúng tôi về huyện Quế Võ (Bắc Ninh) vãng cảnh một vài đình chùa nhằm tìm kiếm một vài bức ảnh đẹp về văn hoá dân gian Kinh Bắc cho số báo Tết Canh Tý. Chúng tôi ghé vào thăm một ngôi chùa cổ, có tên chùa Hạ, cũng có người gọi là chùa Hà. Số là ngôi chùa nằm ở thôn Hà Liễu (xã Phương Liễu, huyện Quế Võ) nên gọi như thế cho tiện chăng? Chứ thực ra, xưa, chùa có tên là Hưng Phúc Tự.
Khí trời Kinh Bắc đang chuyển sang xuân khoe những khóm đào, vườn cúc, luống lan chúm chím nụ, vậy mà ngôi chùa vẫn im ỉm, kín cổng, then cài, vắng lặng bóng người, dường như chưa sẵn sàng đòn năm mới.
Chùa Hạ hay gọi là chùa Hà ở thôn Hà Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ.
Gần chùa Hà, tôi hỏi mấy người dân mới hay thường ngày cửa, cổng chùa luôn đóng kín, có chăng chỉ mùng một và ngày rằm mới mở cửa.
- Vì sao không mở cho khách thập phương gần xa thăm viếng?
- Bất tiện lắm vì không có người chăm nom, nhỡ mất mát làm sao?
- Chùa không có sư, thầy, không cắt cử có người thường trực sao?
- Có chứ, có một vị sư nghe nói tu học đủ đầy, thường đi thuyết pháp đây đó, xuất gia từ 12 – 13 tuổi, về chùa mấy năm nay nhưng chẳng hiểu sao vẫn im lìm. Còn người trông chùa, chủ yếu một bà trong Ban quản lý thỉnh thoảng đến mà thôi.
- Còn trước đây?
- Trước đây cũng có một vài nhà sư về đây nhưng ở được thời gian ngắn lại đi, sư này đến sư khác, cứ thế, dường như không ai phù hợp với cung cách, với “gu” làm việc của Ban quản lý, của ông Trưởng thôn.
Một bác lớn tuổi hơn đứng cạnh xen vào:
- Không cứ chi các anh chị, cách đây không lâu, một anh, là con em trong làng, làm cán bộ to trên tỉnh, nhân giỗ ông nội ra chùa thắp hương, phát tâm công đức cũng không vào ngay được, đợi mấy tiếng thôn mới mang chìa khoá đến mở cửa cho.
Không vào chùa được, tôi đi dạo một vòng quanh làng, quanh thôn. Thôn Hà Liễu những ngày cuối năm dương lịch cũng hối hả. Dừng ở quán nước giữa chợ quê, cạnh nhà văn hoá thôn đầy lá vàng rơi, trò chuyện cùng một vài bà con trong làng về ngôi chùa cổ Hưng Phúc Tự với những nhãn - cây vải cổ thụ, dễ chừng hai người ôm không hết, chứng cứ của thời gian, có trên mấy trăm năm nay. Khi nghe chúng tôi tâm tình, đình thì không cần trụ trì, còn chùa thì phải có thầy, có sư, nếu không thì ngôi chùa thiếu hồn cốt, một người cao niên nói:
- Tôi ở đây lâu, chứng kiến bao biến thiên của ngôi chùa. Ngôi chùa ấy đối với dân làng là hình ảnh đẹp trong hoài niệm, của tuổi thơ. Ngôi chùa có được như bây giờ có sự đóng góp của bao người hảo tâm, công đức, trong đó có dân làng Hà Liễu. Dừng lại, nhấp chén nước chè ấm, ông nói tiếp:
Thế rồi không rõ từ đâu, mươi năm nay ngôi chùa vốn hiền hoà thanh tịnh trở thành nơi kiếm chác của một vài người trong thôn, trong Ban quản lý. Xã huyện có biết việc này không tôi không rõ, rõ nhất có lẽ là ông trưởng thôn. Tiền chùa dùng vào việc gì lẽ nào ông không biết.
Đó là lý do nhiều sư về đây không ở được. Thiện nghĩ, các thầy, các sư đã một đời xuất gia, đầu đội trời chân đạp đất, trường chay, sá gì tiền bạc, bỗng lộc trong khi có thể ông trưởng thôn và những người trong Ban quản lý lại rất cần tiền. Vì thế, việc tồn tại các nhà sư tại đây khi biết số tiền công đức hằng năm, hằng tháng là điều bất đắc dĩ đối với họ. Song mâu thuẫn lớn nhất có lẽ không ở đó, cái chính các thầy muốn dành tiền công đức cho việc để sửa sang lại chùa chiền, vốn cần được chỉnh trang tu sửa; còn thôn, cụ thể là ông Trưởng thôn và Ban quản lý dường như muốn sử dụng tiền vào việc khác.
- Việc khác là việc gì?
- Ai mà biết được. Chỉ biết nhiều lần dân làng đề nghị họp để công khai nhưng ông trưởng thôn cứ khất nay, khất mai.
Hỏi thêm mới biết, bình quân mỗi năm chùa Hà (Hà Liễu) được bà con trong làng và thập phương cúng công đức khoảng 500 triệu đồng. Chủ yếu tập trung vào các ngày lễ trọng, như đầu năm, rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng 7- Lễ Vu Lan…, đó là chưa kể những ngày rằm hay đầu tháng trong năm. Đây là con số ước khoảng. Vì không công khai nên ít ai biết được con số chính xác. Nghe nói, ngay cả thầy Nhật Thanh, người đang trụ trì tại chùa đang được nhiều bà con quí mến cũng không được biết.
Đúng là lâu nay chuyện tiền nong, nhất là chuyện tiền công đức ở các làng có nhiều chuyện đáng bàn. Từ những chuyện nghe được ở chùa Hà, từ ngôi chùa của làng, của tâm thức bao người dân trong làng biến thành “sở hữu” của vài người, của ông trưởng thôn là chuyện lạ.
Thiết nghĩ, xã Phương Liễu và huyện Quễ Võ cần có sự lên tiếng, trong đó có việc công khai các khoản tiền công đức sử dụng trong mấy năm qua của chùa. Cần thiết thanh tra kiểm tra đầy đủ, theo qui định, nếu thấy thiếu, ai giữ thì trả lại cho chùa, tức trả lại cho người dân trong thôn.
Đó là mong muốn của nhiều người dân nơi đây. Bởi đồng tiền của chùa tuy nhỏ, tuy rất vô thường nhưng việc sử dụng, quản lý như trên là không bình thường chút nào?
Anh Quân