(LSO) - Nếu người lao động phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch bệnh Covid-19 sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trường hợp doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc, người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước 30-45 ngày hoặc trả trợ cấp mất việc làm cho lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản số 1064 đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc chi trả lương cho lao động do ảnh hưởng dịch Covid–19.
Theo đó, việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan).
Đối với trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, tiền lương của NLĐ sẽ được thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động, tức tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.Các trường hợp do tác động trực tiếp ngừng việc bao gồm: Lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc; NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ doanh nghiệp hay đồng nghiệp đang phải cách ly, hoặc chưa được quay trở lại làm việc.
Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu và thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động. Lúc này, tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động.
Trường hợp doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 (tức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng báo trước cho lao động 30-45 ngày) hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động (cho người lao động thôi việc và trả trợ cấp mất việc làm).
Đối với những trường hợp phát sinh khác, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các Sở LĐ-TB&XH căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hoặc báo cáo về Bộ để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Vũ Phong(Tiền phong)