/ Luật sư trực ban
/ Cựu Đại tá Phùng Anh Lê đối mặt với chế tài nào của pháp luật?

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê đối mặt với chế tài nào của pháp luật?

26/01/2022 10:45 |

(LSVN) – Theo Luật sư trường hợp bị truy tố về hai tội danh là “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam” và “Nhận hối lộ” thì vị cựu Trưởng Công an quận Tây hồ này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất lên tới 18 năm tù.

Đề nghị truy tố cựu Đại tá Phùng Anh Lê

Mới đây, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Vụ 6 của Viện này truy tố ông Phùng Anh Lê (cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội) về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" theo quy định tại Điều 378 Bộ luật Hình sự.

Liên quan vụ án này, nhóm cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, gồm: Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung bị đề nghị truy tố với vai trò đồng phạm của ông Phùng Anh Lê.

Theo cáo buộc, ngày 19/9/2016, Nguyễn Công Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, tố cáo một nhóm người bắt giữ anh này trái pháp luật rồi hành hung. Sau khi Công an phường tiếp nhận thông tin, trực ban đã báo cáo Trưởng Công an quận Phùng Anh Lê và Phó trưởng Công an quận khi đó là ông Phạm Quý Hải. Vụ việc sau đó được Đội cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ thụ lý để xác minh.

Theo kết luận điều tra, Đội Cảnh sát hình sự đã xác minh và làm rõ Nguyễn Hữu Tài (trú quận Ba Đình) cùng một số người khác liên quan vụ tấn công Nguyễn Công Thành. Ngày 22/9/2016, Tài đến Công an quận Tây Hồ trình diện về hành vi liên quan đơn tố cáo của anh Thành. Quá trình củng cố hồ sơ, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự đề xuất tạm giữ Tài để điều tra và bắt những người liên quan khác.

Cơ quan điều tra làm rõ bị can Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Đội hình sự Công an quận Tây Hồ) đã đồng ý với đề xuất của điều tra viên. Sau đó, ông Ngọc báo cáo đội trưởng Nguyễn Đức Châu rồi mang hồ sơ đến nhà riêng của ông Phạm Quý Hải để báo cáo. Sau khi ông Hải chấp thuận đề xuất và ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật, nghi phạm bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ tối 22/9/2016. Quá trình Tài bị tạm giữ, vợ và người nhà của nghi phạm đã nhờ người quen kết nối đến Công an quận Tây Hồ để nhờ giúp đỡ.

Theo cáo buộc, qua quan hệ trung gian, anh Phùng Văn Bảy là người quen đã nhờ ông Lê giúp đỡ trường hợp của Tài. Sau khi đồng ý, ông Phùng Anh Lê nhắn người trung gian thông báo gia đình Tài chuẩn bị tiền để hòa giải với nạn nhân. Khuya 22/9/2016, anh Bảy nhận 110 triệu đồng từ gia đình Tài rồi đưa cho ông Lê.

Cơ quan điều tra cho rằng sau khi nhận tiền, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ yêu cầu cấp dưới cung cấp hồ sơ vụ án để xem xét. Sau đó, ông Lê nói rằng chứng cứ để tạm giữ Tài còn yếu nên chỉ đạo đưa nghi phạm ra khỏi nhà tạm giữ, cho viết cam kết để tránh tự sát.

Thực hiện chỉ đạo của ông Lê, bị can Ngọc cùng một số cảnh sát đã đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ và cho các bên hòa giải vụ hành hung. Sau 2 lần hòa giải tại trụ sở Công an quận, Tài đồng ý bồi thường 15 triệu đồng và sửa điện thoại cho anh Thành. Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội đã rà soát và lật lại hồ sơ vụ án. Sau khi củng cố hồ sơ, Công an thành phố ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Hữu Tài và 5 bị can khác về tội "Cướp tài sản".

Cơ quan điều tra đánh giá bị can Phùng Anh Lê nhiều lần không thừa nhận hành vi và có lời khai đổ lỗi những bị can khác. Trong khi đó, Nguyễn Đức Châu, Phùng Công Ngọc và Lê Đình Trung thành khẩn khai báo.

Ngoài ra, bị can Phùng Anh Lê không thừa nhận đã nhận 110 triệu đồng nên cơ quan điều tra tách hành vi có dấu hiệu đưa, nhận và môi giới hối lộ để tiếp tục làm rõ. Đối với vai trò của ông Phạm Quý Hải và một số cán bộ Công an quận Tây Hồ, cơ quan điều tra cũng tách hồ sơ để điều tra.

Oan sai và bỏ lọt tội phạm là mối nguy hiểm cho xã hội

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng đây là một vụ án khá bất ngờ với nhiều người bởi những người bị khởi tố trong vụ án này đều là những cán bộ, cựu cán bộ Công an có chức vụ cao trong Công an quận Tây hồ. Trước đó thì một loạt cán bộ, lãnh đạo Công an quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng cũng bị xử lý đối với những hành vi tương tự như vụ án này.

Theo Luật sư Cường, những vụ án này là một câu chuyện rất đáng buồn về công tác cán bộ, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm của Đảng và nhà nước ta trong việc đấu tranh với những sai trái, tiêu cực, không có vùng cấm trong việc đấu tranh với tội phạm. Đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì oan sai và bỏ lọt tội phạm đều nguy hiểm cho xã hội. Nếu những án oan sai thường có nguyên nhân là do chủ quan, nóng vội, do trình độ năng lực hạn chế thì hiện tượng bỏ lọt tội phạm là do suy thoái đạo đức, tha hóa về nhân cách của cán bộ, vì lợi ích vật chất, vì bị mua chuộc mà thỏa hiệp với tội phạm, tiếp tay cho tội phạm khiến pháp luật bị khinh nhờn, tội phạm lộng hành, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước đối với nhân dân.

Hành vi gây oan sai có thể do lỗi vô ý, do chủ quan, do năng lực trình độ hạn chế nhưng hành vi bỏ lọt tội phạm, dung túng cho tội phạm là hành vi cố ý và thể hiện sự suy thoái nghiêm trọng của cán bộ, không chỉ của một người mà thường là sẽ có nhiều người cùng vi phạm, làm suy yếu hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đối mặt với mức hình phạt nào?

Luật sư Cường phân tích, tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" theo quy định tại Điều 378 Bộ luật Hình sự là một trong những tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp.

Hành vi phạm tội đối với tội danh này xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm giảm uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Bởi vậy, người phạm tội sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Tội danh này áp dụng với người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền để tha người bị bắt, bị tạm giữ trái pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp tha trái pháp luật người bị bắt, bị tạm giữ về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người thì phải đối mặt với khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án có thẩm quyền xác định dựa trên căn cứ trên cơ sở kết quả tranh tụng, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mức hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Vì sao phải tách hành vi có dấu hiệu "Nhận hối lộ" để điều tra, làm rõ?

Luật sư Cường cũng cho biết thêm, theo kết quả điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì bị can Lê đã nhận số tiền 110 triệu đồng từ gia đình Tài. Tuy nhiên, đến nay bị can Lê không thừa nhận hành vi này và chưa đủ căn cứ pháp lý vững chắc nên cơ quan điều tra tạm thời tách rút để xử lý sau.

“Rất có thể do hết thời hạn điều tra nên sẽ xử lý tội danh "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" trước, sau đó sẽ tiếp tục khởi tố thêm tội “Đưa hối lộ”, tội “Nhận hối lộ” và tội “Môi giới hối lộ” đối với những người có liên quan khi tài liệu được củng cố thêm”, vị Luật sư cho biết.

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì sẽ bị xử lý về tội danh này.

Với của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì hình phạt với người phạm tội sẽ là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù.

Đối với người đưa hối lộ số tiền trên 100.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 với chế tài là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Với người môi giới hối lộ thì sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức chế tài là từ 02 năm đến 07 năm tù.

Như vậy, trong trường hợp Cơ quan điều tra có thêm các tài liệu chứng cứ để chứng minh đã có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ thì cả người đưa, người nhận và người môi giới sẽ đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bị truy tố về 02 tội danh là “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam” và “Nhận hối lộ” thì vị cựu Trưởng Công an quận Tây hồ này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất lên tới 18 năm tù.

Luật sư Cường bày tỏ, dù bị xử lý về một tội danh hay hai tội danh, mức án ở mức độ nào chăng nữa thì đây cũng là một vụ án hết sức đau lòng về công tác cán bộ, cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, tư tưởng, phẩm chất của một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm như vậy là cần thiết, phần nào cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của đảng và nhà nước ta đang thực hiện rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và từng bước để duy trì, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền.

TIẾN HƯNG

Đề nghị truy tố cựu Đại tá Phùng Anh Lê

Lê Minh Hoàng