Ảnh minh họa.
Sáng ngày 02/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025… Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Đây là chính sách tài khóa thâm hụt, mặc dù giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình với Quốc hội và Chính phủ giảm, giãn đối với các loại thuế, tiền thuê đất. Riêng năm 2021 giảm được hơn 132.000 tỉ đồng; năm 2022 giảm 233.000 tỉ đồng và năm 2023 dự kiến giảm 200.000 tỉ đồng, đây là nỗ lực rất lớn. Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phải đưa vào nền kinh tế 347.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 43 năm 2022.
Về dự toán tình hình ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%, tương đương với 1.366.000 tỉ đồng. Về dự toán ngân sách năm 2024, Bộ trưởng cho rằng đây là nỗ lực lớn của Chính phủ và Quốc hội. Theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đưa ra phải tăng trên 5%. Do đó, Bộ Tài chính đã giảm 2 khoản thuế là thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu và thuế VAT từ 10% xuống 8%. Như vậy tính cả 2 khoản thuế này là 1.757.900 tỉ đồng chứ không phải 1.700.000 tỉ đồng, tăng 8,46% so với năm 2023.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, hiện đã bố trí đủ ngân sách nâng lương cơ sở từ 01/7/2023 và thực hiện nghị quyết về cải cách tiền lương từ 01/7/2024 về sau.
Về giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng cho rằng phải coi giảm chi đầu tư, phải tiết kiệm, đầu tư không được để lãng phí, đầu tư là phải có hiệu quả, không gây thất thoát. Bộ trưởng tính toán có những bộ ngành riêng chi cho tiền lương, phụ cấp đã chiếm 66%, không có gì để tiết kiệm.
Ngoài ra, về việc hoàn thuế, Bộ trưởng cho biết đã thực hiện được 92%, hiện nay chỉ còn giải quyết giải quyết 14.857 hồ sơ, đang giải quyết 534 hồ sơ với trên 9.000 tỉ đồng...
PV
Đề xuất bổ sung 3 nhóm đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội