Ảnh minh họa.
Chiều ngày 02/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 06 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Theo đó, các Luật được thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.
Liên quan đến Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; việc thành lập Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành Kết luận thành tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán Nhà nước; chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.
Liên quan đến các cuộc thanh tra về mua sắm kit xét nghiệm, vật tư y tế, vaccine Covid-19 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế đến nay chưa được công bố, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sau khi Thủ tướng có ý kiến, Cơ quan thanh tra sẽ công bố các kết luận theo đúng quy định.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cũng nhấn mạnh, Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập trong việc chậm ban hành kết luận thanh tra.
Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, vừa qua đã thanh tra chuyên đề trên diện rộng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế.
Đối với 19 bộ ngành và 61 tỉnh, thành phố là do thanh tra bộ ngành và địa phương chịu trách nhiệm thanh tra.
Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện để chuyển cơ quan điều tra chủ yếu ở 03 cuộc do Thanh tra Chính phủ chủ trì, còn thanh tra bộ ngành, địa phương phát hiện rất ít.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, theo báo cáo tổng hợp trên toàn quốc (ngoại trừ vụ việc Công ty Việt Á do Bộ Công an và công an các địa phương đang điều tra), có 30 vụ việc, nhóm vụ việc chuyển cho Cơ quan điều tra, chủ yếu thuộc 03 cuộc thanh tra ở Bộ Y tế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì.
Còn 19 bộ ngành, địa phương có 02 - 03 cuộc chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra.
TRẦN MINH