/ Tích hợp văn bản mới
/ Đa dạng việc đánh giá học sinh bằng phẩm chất, năng lực thay vì chỉ điểm số

Đa dạng việc đánh giá học sinh bằng phẩm chất, năng lực thay vì chỉ điểm số

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Theo đó có sự đổi mới kiểm tra đánh giá vừa là bước chuẩn bị cho đánh giá học sinh về phẩm chất, năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa đồng bộ với cấp tiểu học.

Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, sẽ coi trọng đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục; không hạn chế ở kiểm tra miệng hay 15 phút mà có thể áp dụng nhiều cách đánh giá khác như chuyên đề, sản phẩm học tập hay hoạt động; thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập; không hạn chế số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên nhằm mục đích đánh giá chính xác những tiến bộ hay chưa tiến bộ trong học tập, rèn luyện của học sinh.

Ngoài ra, sự thay đổi này giúp giảm áp lực cho học sinh và giáo viên bằng việc quy định giảm tối đa kiểm tra 1 tiết như trước đây mà chỉ còn 1 lần kiểm tra giữa kỳ và 1 lần cuối kỳ.

Kiểm tra đánh giá định kỳ được thực hiện thông qua các hình thức như: Bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc ra đề theo ma trận vừa đảm bảo việc kiểm tra đánh giá đầy đủ, bao quát, toàn diện, đồng thời giúp cho nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cách thức và mức độ của đề, tránh tình trạng giáo viên ra đề tùy tiện, hoặc ra đề khó để thúc ép học sinh học thêm.

Nghị định mới quy định về việc kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Ngoài các môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật đánh giá bằng nhận xét, tất cả các môn học đều đánh giá bằng nhận xét và điểm số. Đánh giá bằng nhận xét để hướng đến năng lực (kết quả thực hiện, động cơ, thái độ), còn điểm số là về kiến thức và kỹ năng của học sinh đạt được đối với môn học.

Ngoài ra, Thông tư 26 coi trọng môn ngoại ngữ khi xem xét danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến, trung bình xét đến 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, chứ không chỉ 2 môn toán, ngữ văn như trước đây. Điều này tạo cơ hội cho học sinh, khuyến khích dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông.

THANH NHUNG

/san-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-trach-nhiem-cua-co-quan-quan-ly-den-dau.html