Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội do cơ quan nhà nước các cấp huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230 nghìn tỉ đồng, trong đó, năm 2020 là 25 nghìn tỉ đồng, năm 2021 là 120,6 nghìn tỉ đồng, năm 2022 là 84,4 nghìn tỉ đồng.
Ngoài ngân sách Nhà nước, đã huy động từ các nguồn khác được khoảng 43,6 nghìn tỉ đồng (năm 2020 là 1 nghìn tỉ, năm 2021 là 34,7 nghìn tỉ, năm 2022 là 7,9 nghìn tỉ đồng), gồm: nguồn viện trợ nước ngoài 14.873,8 tỉ đồng bằng tiền, vaccine, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất của Chính phủ các nước và tổ chức quốc tế dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là vaccine, hàng hóa, vật tư y tế. Tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ của COVAX Facility, Chính phủ các nước và nhà tài trợ là 156.991.568 liều, tài trợ trong nước là 31.873.998 liều, tài trợ ngoài nước là 125.117.570 liều.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Trung ương đã huy động được 10,6 nghìn tỉ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng). Quỹ vaccine phòng Covid-19 của địa phương là 953,1 tỉ đồng. Nguồn huy động đóng góp của ngân sách địa phương là 17.111,7 tỉ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được trên 15.015 tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo, ở một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kít xét nghiệm với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.
PV